Giai đoạn ăn dặm khi bé 7 tháng tuổi rất quan trọng, vì đây là cột mốc đánh dấu sự chuyển giao từ việc uống sữa ăn thức ăn lỏng sang việc tập nhai và ăn các thực phẩm đặc. Vì thế, các mẹ cần biết những lưu ý trong cách nấu cháo cho bé ăn dặm 7 tháng để tránh việc bé mất cân bằng dinh dưỡng, biếng ăn,…

Bước vào giai đoạn 7 tháng, nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ đã không còn đủ để đáp ứng cho sự phát triển toàn diện của bé. Các dưỡng chất từ sữa công thức, bột ăn dặm và các loại thực phẩm từ bên ngoài cần được mẹ cân nhắc bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của bé. Để có tháp dinh dưỡng khoa học, các chuyên gia mách các mẹ những lưu ý trong cách nấu cháo ăn dặm cho bé 7 tháng như sau:

Phân bổ các bữa ăn

Giai đoạn các bé dưới 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn dưỡng chất chính và quan trọng. Tuy nhiên, mẹ không nên ỷ lại hoàn toàn vào việc cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức, đều này sẽ dẫn đến việc bé thiếu chất, còi cọc và lười nhai. Nhưng mẹ cũng không nên để việc ăn dặm chiếm đa số khẩu phần ăn hàng ngày, vì lúc này dạ dày bé còn non yếu, chưa thể tiêu hoá tốt. Các mẹ có thể phân bố: sữa chiếm 60-70% (tương đương 600-800ml sữa/ngày), các bữa ăn dặm sẽ chiếm 1 đến 2 lần trong ngày.

Một trong những lưu ý trong cách nấu cháo ăn dặm cho bé 7 tháng mẹ cần nhớ là nên chia bữa ăn dặm thành một buổi bột (cháo) mặn và một buổi bột (cháo) ngọt để bé không ngấy và làm quen với nhiều mùi vị.

Chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp bé đỡ ngán nên hào hứng hơn khi ăn

Khẩu phần và thời gian cho ăn

Các mẹ thường có thói quen cho bé ăn thật nhiều để mau lớn, nhưng thực tế đều này hoàn toàn phản khoa học. Khẩu phần ăn của bé cần được cân nhắc theo đúng lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ riêng từng bé. Việc cố cho bé ăn nhiều sẽ khiến hệ tiêu hoá của bé “bội thực” dẫn đến chứng khó tiêu, dễ nôn hoặc dẫn đến tình trạng béo phì sớm ở trẻ nhỏ. Các mẹ nên cho con ăn một chén nhỏ/lần và cho bé hoạt động nhẹ, ợ được trước khi đặt bé nằm lại.

Thêm một lưu ý trong cách nấu cháo ăn dặm cho bé 7 tháng mẹ không thể bỏ qua dó là thời gian cho bé ăn. Mẹ có thể cho bé ăn hai buổi, một buổi vào lúc 9h sáng và một buổi lúc 14h.Thời gian này vừa vặn cung cấp nguồn năng lượng cho các hoạt động của bé cả ngày, vừa giúp hệ tiêu hoá của bé có đủ thời gian chuyển hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng và hấp thu tốt. Mẹ không nên cho bé ăn no ngay khi vừa thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, sẽ dẫn đến chứng trào ngược ở trẻ.

Thành phần dinh dưỡng

Giai đoạn 7 tháng tuổi, mẹ nên chú ý cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển dinh dưỡng và trao đổi chất bên trong. Đây chính là  lưu ý mẹ chắc chắn phải nằm lòng. Mỗi ngày bé cần khoảng 20g tinh bột, 10-20g đạm động-thực vật, các chất xơ, chất khoáng và vitamin.

Khi lựa chọn nguyên liệu nấu cháo, mẹ nên ưu tiên chọn các thịt trắng như thịt nạc heo, gà, cá,..và xen kẽ các loại thịt khác như thịt bò, lươn, ếch, tôm, cua,…khoảng 2-3 lần trong tuần. Do các loại thịt đỏ chứa quá nhiều chất sắt cũng dễ dẫn đến việc đầy hơi, khó tiêu, gây áp lực cho gan và thận; còn các loại thuỷ sản thường dễ gây dị ứng cho bé, hay thậm chí khiến đường ruột bé mẫn cảm và đi ngoài nhiều lần.

Cháo ăn dặm cần đầy đủ dưỡng chất trong mỗi bữa ăn

Mẹ cũng nên kết hợp các loại rau củ quả khi nấu cháo. Sau khi thức ăn chín, mẹ có thể cho thêm 1 thìa nhỏ dầu ăn để tăng hương vị, cung cấp đủ chất béo và giúp bé giảm táo bón.

Không lạm dụng máy xay

Một lưu ý trong cách nấu cháo ăn dặm cho bé 7 tháng mà các mẹ thường bỏ quên đó là việc lạm dụng máy xay khi chế biến thức ăn cho bé. Nhiều mẹ lo lắng con ăn phải thức ăn cứng sẽ gây ảnh hưởng cho dạ dày, hoặc khiến con bị hóc. Tuy nhiên, việc thường xuyên xay thức ăn quá nhuyễn sẽ khiến bé thụ động trong việc nhai, dẫn đến hệ cơ xương hàm hoạt động kém, các nướu răng không được kích thích, răng mọc chậm,..Khi bé lớn, bé sẽ kén ăn các thức ăn rắn như cơm, thịt,…dẫn đến việc mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu sức đề kháng. Do đó, mẹ nên nấu các thức ăn chín kỹ, hầm mềm rồi dùng thìa tán nhuyễn hoặc nghiền nhỏ được.

Một vài thực đơn tiêu biểu

Thực đơn 1:

  • 6h: bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức (khoảng 150-200ml)
  • 9h: dùng bột hoặc cháo bí đỏ (bí đỏ, sữa, dầu ăn)
  • 10h: ăn xoài
  • 11h: bú sữa
  • 14h: ăn bột hoặc cháo thịt băm (thịt nạc, cháo, dầu ăn, rau xay)
  • 16h: nước cam
  • 18h: bú sữa (hoặc dùng thêm một chén bột nhỏ)

Thực đơn 2:

  • 6h: bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức (khoảng 150-200ml)
  • 9h: dùng bột hoặc cháo trứng (trứng, bột/cháo, dầu ăn, rau bina xay)
  • 10h: dùng ½ quả chuối
  • 11h: bú sữa
  • 14h: ăn bột hoặc cháo thịt gà và ngô xay (thịt gà, cháo, dầu ăn, ngô xay)
  • 16h: nước cam
  • 18h: bú sữa (hoặc dùng thêm một chén bột nhỏ)

Thực đơn 3:

  • 6h: bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức (khoảng 150-200ml)
  • 9h: dùng bột hoặc cháo đậu hà lan (đậu hà lan xay, sữa, dầu ăn, bột/cháo)
  • 10h: ăn nho
  • 11h: bú sữa
  • 14h: ăn bột hoặc cháo tôm, (thịt tôm, cháo, dầu ăn, phô mai và bông cải xay )
  • 16h: nước cam
  • 18h: bú sữa (hoặc dùng thêm một chén bột nhỏ)

Qua bài viết này, Kyna For Kids muốn nhắc các mẹ phân bổ các bữa ăn, khẩu phần, thành phần dinh dưỡng và tránh việc lạm dụng máy xay trong cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi. Việc ăn uống khoa học như trên giúp bé hấp thu tối đa dưỡng chất của thực phẩm và có lợi có đường tiêu hoá.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version