Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi quen với ăn dặm

Bé yêu của bạn đã được 6 tháng tuổi? Bạn nên tập cho bé làm quen với những  món ăn dặm đầu tiên. Trong giai đoạn này, bạn cần chuẩn bị cho bé những món  ăn vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng vừa tạo cho bé sự hứng thú với những bữa ăn để tạo tiền đề cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của bé. Việc chọn thực đơn cho bé 6 tháng chắc chắn sẽ làm bạn bận rộn hơn, nhưng cũng là niềm hạnh phúc của các bà mẹ khi thấy bé có được những bữa ăn ngon, được nhìn cái miệng chúm chím của con yêu khi bạn đút cho bé từng muỗng bột.

Các khóa học nuôi dạy con dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia dinh dưỡng sẽ gợi ý cho bạn những thực đơn cho bé 6 tháng phù hợp và khoa học nhất, vì ở giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, bé chưa  làm quen với nguồn dinh dưỡng nào khác ngoài sữa mẹ, nên mẹ cần chú ý khi chế biến thực đơn cho bé phải được thực hiện đúng hai nguyên tắc:

Tập cho bé ăn từ bột loãng đến bột đặc

Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng nhằm  đảm bảo cho hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện của bé không phải hoạt động quá sức, cũng là cách giúp bé không bị sặc hay bị nghẹn khi ăn. Những bữa ăn dặm đầu tiên, bạn có thể tập cho bé ăn 1 – 2 muỗng bột loãng, vào đúng giờ các bữa ăn chính để tập cho bé quen với khẩu vị và cũng tạo cho bé thói quen ăn theo giờ.

Bé 6 tháng tuổi nên ăn từ bột loãng trước khi ăn bột đặc

Cho bé ăn từ ít đến nhiều

Khi bé đã tập ăn được khoảng 1 – 2  tuần, bạn tăng khẩu phần mỗi bữa của bé lên nhiều hơn một chút, cứ thế cho đến khi bé có thể ăn được từ 1/3 rồi đến nửa chén bột mỗi bữa. Hàng ngày, bạn hãy cho bé ăn từ  2 đến 3 bữa bột  xen kẽ với các bữa sữa. Sẽ có những lúc bé  ăn rất ngon miệng và ăn nhanh, gọn,  nhưng bạn đừng cho bé ăn thêm, vì nếu ăn quá nhiều, bé rất dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Cho bé ăn bột từ vị ngọt đến vị mặn

Khi bé bắt đầu giai đoạn ăn dặm, bạn nên cho bé ăn các bữa bột có vị ngọt  của sữa trước. Vì khi tiếp xúc với món ăn mới có vị gần với vị của sữa mà bé đang ăn hàng ngày, bé sẽ không bị thay đổi khẩu vị đột ngột, bé sẽ có hứng thú với món ăn mới hơn. Hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều loại bột được chế biến sẵn cho bé ở các độ tuổi. Bạn hãy chọn cho bé loại  bột có vị ngọt của sữa, bé sẽ dễ đón nhận các món mới khi có hương vị sữa quen thuộc.

Sau khi cho bé tập ăn dặm được khoảng 1-2 tuần, bạn có thể cho bé ăn bột pha từ nước hầm rau, củ, quả… Khi bé tập ăn dặm được khoảng 01 tháng, bạn có thể cho bé ăn thêm bột có vị mặn được chế biến từ thịt, cá, trứng, đậu hũ cùng các loại rau củ quả. Bạn có thể nấu tất cả các nguyên liệu được chuẩn bị từng bữa thành cháo, rồi xay nhuyễn cho bé ăn và chỉ nên cho bé ăn bột có vị mặn ngày 01 bữa, xen với các bữa bột có vị ngọt, sau khoảng 1-2 tuần.

Khi bé đã quen với khẩu vị mới, bạn hãy cho bé ăn hoàn toàn các bữa ăn bằng bột có vị mặn. Nhưng bạn nên chú ý, tuyệt đối không cho bé ăn quá mặn, vì điều này rất nguy hại cho sức khỏe của bé sau này.

Lưu ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn

Khi chuẩn bị thực đơn cho bé 6 tháng tuổi, các mẹ cần lưu ý rằng lúc bé mới tập ăn, khi bạn đút bột cho bé, bé thường ngoảnh mặt đi, rùng mình hay nôn ọe, cũng có bé sẽ ngậm miếng bột trong miệng rất lâu, không chịu nuốt… Bạn đừng quá lo lắng, đó là do khứu giác và vị giác của bé còn nhạy cảm và non nớt, bé chưa kịp tiếp nhận và thích nghi với mùi lạ, vị lạ nên không thể tránh được phản ứng sợ hãi và từ chối thức ăn.

Mẹ hãy bình tĩnh, giúp bé vượt qua cảm giác sợ hãi này bằng cách vừa cho bé ăn vừa tạo cảm giác vui vẻ cho bé, bạn có thể vừa đút cho bé ăn, vừa trò chuyện hoặc hát cho bé nghe. Như vậy sẽ giúp khứu giác và vị giác của bé bị chi phối, bé quên đi cảm giác lạ lẫm khi ăn những vị lạ. Từ từ rồi bé yêu của bạn sẽ quen với những bữa ăn mới, nên bạn đừng vội vã ép buộc bé ăn, hãy để bé có thời gian thích nghi.

Phụ huynh nên tạo cảm giác thoải mái khi cho bé 6 tháng ăn bột

Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi không chỉ là những bữa bột đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn là những bữa ăn tạo được tâm lý vui vẻ, thoải mái, như vậy mới kích thích cơ thể bé tiết ra các men tiêu hóa có lợi, giúp bé hào hứng với bữa ăn hơn. Tuyệt đối không nên tạo áp lực với bé khi cho bé ăn, dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Ngoài ra các bạn nên sáng tạo nhiều nguyên liệu, cách chế biến và gia vị khác nhau để tạo sự mới mẻ, kích thích bé ăn ngon miệng hơn. Ghi nhớ những lưu ý trên sẽ giúp bé yêu của bạn có những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển hàng ngày của bé.

Thực đơn cho bé 7 tháng tuổi phát triển toàn diện

Ở tháng thứ 7, bé đã quen với những bữa bột mà mẹ cho bé ăn hàng ngày. Đa số các bé đã biết trườn, biết ngồi, bé vận động nhiều hơn nên nhu cầu ăn của bé sẽ nhiều hơn. Vì vậy mẹ hãy tăng dần năng lượng trong bữa ăn của bé bằng cách tăng lượng bột, cùng với sự đa dạng, phong phú các thực phẩm. Đây là lúc mẹ cần chú ý lên thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi hợp lý hơn để bé tăng cân đều, khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Để nuôi dạy con tốt, các mẹ hãy chuyển thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi từ các bữa bột sang ăn cháo tán nhuyễn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: tinh bột, đạm, mỡ, chất xơ (trong này đã bao gồm cả các vitamin và muối khoáng) để cung cấp đầy đủ năng lượng cho sự vận động và phát triển của bé. Mẹ có thể dùng thịt heo, bò, gà, tôm, cá, cua, đậu hũ, trứng… kết hợp với các loại rau củ, quả theo mùa cho các bữa ăn hàng ngày của bé.

Lựa chọn thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi

Việt quất

Đây là loại trái cây cao cấp, rất giàu chất chống ôxy hóa và  flavonoid, vô cùng có lợi cho mắt và não bộ, thậm chí còn tốt cho cả đường tiết niệu của bé. Vì việt quất có vị chua, mẹ có thể cho vào máy xay thành sinh tố, thêm một ít đường cho bé uống, nhưng chú ý bạn nên cho bé uống  với một lượng vừa phải ( khoảng 02 muỗng canh mỗi lần uống), để bé quen vị, bạn cũng có thể và trộn cùng với sữa chua để bé dễ ăn hơn.

Việt quất là trái cây không thể thiếu trong thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi

Quả bơ

Đây là loại quả chứa nhiều chất béo lành mạnh, bơ rất hữu ích trong việc kích thích sự phát triển của não bộ, bơ cũng rất giàu chất xơ. Mẹ có thể trộn bơ với sữa, táo, chuối, để bé ăn giữa các bữa ăn chính. Tuy nhiên, vì hệ tiêu hóa của bé còn yếu, các mẹ đừng cho bé ăn bơ vào buổi tối, sợ khó tiêu.

Quýt

Đây là loại trái cây cần có trong thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi vì sở hữu lượng vitamin C – chất chống ôxy hóa dồi dào và cũng có tác dụng tăng sức đề kháng cho bé.

Bí đỏ

Đây là nguồn thực phẩm bổ sung beta-carotene dồi dào, rất giàu vitamin A, vô cùng có lợi cho đôi mắt của bé. Bí đỏ vừa bổ dưỡng, vừa nhuận trường, lại còn dễ chế biến thành các món ăn vừa hấp dẫn vừa ngon ngọt, hầu như bé nào cũng thích ăn những món ăn được chế biến từ bí đỏ. Mẹ có thể kết hợp giữa bí đỏ với thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cá  để nấu cho bé những bữa cháo ngon lành, hoặc nấu súp và thêm chút phô mai cho bé ăn.

Đậu lăng

Đây có thể được coi là một siêu thực phẩm, đậu lăng có lượng sắt cao gấp 2 lần những loại rau củ khác, rất giàu vtamin B, folate và canxi, giúp bé bổ sung protein và chất xơ tiêu hóa hòa tan, rất tốt cho sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của bé

Bông cải xanh

Tương tự như đậu lăng, bông cải xanh có nhiều chất xơ, folate, canxi và chất sắt, ngoài ra bông cải xanh còn là nguồn thực phẩm giúp ngăn ngừa bệnh ung thư. Vì vậy, ngay từ khi bé mới tập ăn, mẹ hãy chú ý cho bé ăn các món ăn có bông cải xanh, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Tuy nhiên, bông cải xanh hơi có mùi, nên khi nấu, mẹ nên khéo léo kết hợp với các loại thịt phù hợp, có thể nấu cháo bông cải xanh với thịt bò, hoặc thịt heo và tôm, bạn nên cho bé ăn khi rau đã nguội để bé khó nhận thấy mùi của món ăn.

Sữa chua

Đây là thực phẩm giàu canxi mà mẹ nên cho bé thường xuyên, không chỉ giàu canxi, sữa chua còn chứa vitamin D cùng các lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của bé. Mẹ có thể cho bé ăn sữa chua không hoặc trộn chung với các loại trái cây nghiền khác như cam, quýt, chuối, táo, bơ, việt quất… để tạo nên nhiều sự khác biệt về khẩu vị cho bé yêu.

Thịt đỏ

Đây là nguồn thực phẩm cung cấp rất nhiều chất sắt và kẽm giúp cho bé yêu luôn lanh lợi, mạnh khỏe, cứng cáp. Thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi nhất định không thể thiếu nguồn thịt đỏ như bò, heo, cừu, ngựa, trâu…

Chế biến thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi

Thêm 1 chút dầu ăn khi nấu món ăn cho bé

Phụ huynh nên ưu tiên chọn dầu gấc, dầu đậu nành. Vì mỡ/dầu ăn rất quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của các bé. Trên thực tế, dầu ăn dễ tiêu hóa, rất giàu năng lượng và còn có khả năng hòa tan các chất khác, giúp cơ thể dễ hấp thu các chất dinh dưỡng hơn. Ngoài ra mỡ/dầu ăn cũng là yếu tố quan trọng giúp cơ thể bé hấp thu tốt canxi và vitamin D.

Không nên cho gia vị

Các bà mẹ thường nghĩ khi nêm nếm đủ vị thì sẽ làm cho món ăn thêm đậm đà và kích thích vị giác của bé. Điều này hoàn toàn sai lầm vì vị giác và hệ tiêu hóa của bé còn rất non nớt, ăn nhiều gia vị, nhất là bột ngọt và muối lúc này sẽ không tốt cho thận của bé. Vì vậy, để bảo vệ bé yêu, bạn đừng nêm thêm nhiều gia vị và mắm muối vào đồ ăn sẽ khiến thận của bé phải hoạt động quá sức.

Thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi không nên nêm gia vị để bé cảm nhận vị ngon của nguyên liệu

Thực phẩm phải đảm bảo sạch và an toàn

Mẹ phải tuyệt đối đảm bảo nguồn thực phẩm làm thức ăn cho bé phải sạch và an toàn, không có ký sinh trùng gây bệnh, không sử dụng các hóa chất độc hại. Vì bé còn nhỏ, nên khi  chế  biến thực đơn của bé 7 tháng tuổi, các mẹ cần đảm bảo trong chén bột/cháo của bé không có xương (cá phải gỡ thịt, tôm phải cắt râu, xay và băm nhuyễn), các thực phẩm phải được cắt nhỏ, không cho bé ăn các thực phẩm quá cứng có thể làm bé bị hóc hoặc bị nghẹn.

Phải đảm bảo khâu vệ sinh khi chế biến

Tất cả dụng cụ làm bếp và đồ đựng thức ăn của bé cần được rửa và giữ sạch, các mẹ có thể phơi nắng sau khi rửa, trước khi đựng thức ăn cho bé, các mẹ nên trụng qua nước sôi, như vậy mới đảm bảo tiệt trùng cho bé. Sau khi nấu xong, thức ăn phải được đậy cẩn thận, cần cho bé ăn ngay trong vòng hai giờ.

Đảm bảo làm theo những lưu ý về thực đơn cho trẻ 7 tháng tuổi như trên, con yêu của bạn sẽ cứng cáp, khoẻ mạnh, giàu sức đề kháng và phát triển toàn diện.

Thực đơn cho bé 8 tháng tuổi chuyển từ ăn bột sang cháo

Bé 8 tháng tuổi thuờng bắt đầu mọc răng và đã có thể ăn cháo. Để chuẩn bị thực đơn cho bé 8 tháng tuổi, mẹ có thể nấu cháo cho bé, kết hợp với các loại thịt, cá, tôm, cua, trứng… và các loại rau củ. Chắc hẳn bé yêu sẽ hào hứng với sự đổi vị từ những bữa ăn hàng ngày.

Việc ăn uống một cách khoa học, cân đối từ những năm đầu đời sẽ hỗ trợ cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ một cách toàn diện, giai đoạn này quyết định đến thói quen và khả năng ăn uống sau này của trẻ. Trong năm đầu đời, vấn đề ăn dặm của con trẻ luôn là điều mà các bà mẹ quan tâm hàng đầu.

Các khóa học nuôi dạy con sẽ hướng dẫn cho các bà mẹ cách chọn thực đơn cho bé 8 tháng tuổi như thế nào, cách cho con ăn, ăn món gì để con mau lớn và khỏe mạnh.

Đảm bảo đầy đủ dưỡng chất

Trong thực đơn cho bé 8 tháng tuổi, ngoài những món ăn theo mùa, bạn cần chú ý đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm sau:

  1. Tinh bột: gạo, bánh mì, nui (hình sao, hình con sò), bột ăn liền.
  2. Đạm: thịt ức, đùi gà, phi lê bò, cá hồi, tôm, cua, đậu hũ, thịt heo, sữa chua, phô mai tươi, các loại họ đậu; lòng đỏ trứng…
  3. Chất béo: dầu thực vật các loại, dầu gấc và phô mai…
  4. Các loại rau củ: cà rốt, cà chua, bông cải xanh, cải bó xôi, bí ngòi, đậu Hà Lan, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, rau muống, rau mồng tơi, rau dền…
  5. Hoa quả: cam, chuối, táo, lê, cherry, dưa hấu, xoài, đu đủ, dâu tây, việt quất, bơ; mận, nho, thanh long, dưa gang…   

Một số công thức nấu ăn ngon cho bé

Để chuẩn bị tốt thực đơn cho bé 8 tháng tuổi, bạn có thể tham khảo một số món ăn dưới đây:

Các bữa ăn chính

Cháo file cá hồi + cà rốt; cháo ức gà + khoai lang; cháo thịt heo + đậu xanh + bí ngòi; cháo tôm + xốt cà chua; cháo thịt bò hầm khoai tây, cà rốt; cháo trứng, đậu hũ cải bó xôi; cháo cua, rau dền… Các bạn có thể thay các bữa cháo bằng nui sao, nui sò, tạo cho bé cảm giác lạ miệng, bé sẽ hào hứng với bữa ăn hơn.

Bé 8 tháng tuổi có thể ăn cháo cá lóc, nấm rơm, cải đỏ

Các bữa ăn phụ

Súp cua, óc heo; sữa chua; bánh quy, bánh bông lan và sữa tươi; các loại sinh tố; các loại nước ép; các loại trái cây theo mùa… Đặc biệt, ở độ tuổi này, bé đã có thể cầm thức ăn tự đút vào miệng, bạn có thể tập cho bé cầm bánh, trái cây cắt miếng nhỏ…để bé tự ăn, đảm bảo bé sẽ rất phấn khởi.

Ngoài ra, bạn phải đảm bảo cho bé đủ lượng sữa mỗi ngày, trong suốt  năm đầu đời, bạn cũng có thể tập cho bé ăn thêm phô mai, váng sữa…Dạ dày của bé rất nhỏ, do đó thực đơn cho bé 8 tháng tốt nhất bạn nên cho con ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì chỉ có ba bữa chính lớn.

Bé 8 tháng tuổi có thể tự ăn tráng miệng bằng trái cây

Thực tế, có không ít các bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, ngán ngẩm với việc ăn uống của con, mẹ thì liên tục bắt ép con ăn và căng thẳng tột cùng khi thấy con chán ăn hoặc không thèm ăn. Còn con thì la khóc, chống đối khi vào bữa ăn như bị tra tấn. Chính vì vậy, các mẹ không nên ép bé ăn, nếu bé có dấu hiệu không thích ăn là ngưng ngay. Mẹ có thể sáng tạo nhiều món ăn mới lạ trong thực đơn cho bé 8 tháng để trẻ đỡ ngán. Điều quan trọng là trong bữa ăn, mẹ hãy tạo không khí vui tươi, mẹ hãy cười và trò chuyện với bé để bé cảm thấy bữa ăn thật thú vị.

Một số công thức thực đơn cho bé 9 tháng tuổi ăn ngon miệng, đủ chất

Khi được 9 tháng tuổi, các bé đa phần đã biết ngồi, biết bò, biết trườn, biết cầm, nắm đưa lên miệng, răng bé đã bắt đầu mọc, bé đã ăn được nhiều món ăn hơn. Thực đơn cho bé 9 tháng tuổi lúc này cần đa dạng về chất, thành phần nguyên liệu, cách chế biến để tạo cho bé sự hào hứng khi ăn, giúp bé có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé.

Ở giai đoạn này, bé phát triển rất nhanh, hoạt động nhiều nên nhu cầu ăn của bé bắt đầu tăng cao, ngoài các bữa sữa, thực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi mẹ nên bổ sung thêm các loại thịt đỏ, gan gà, gan heo, cá, tôm, cua, thịt gà, thịt heo, trứng, đậu hũ và các loại rau, củ quả theo mùa để tăng cường canxi và chất sắt cho bé. Ở thời điểm này, các bé đã có từ 2 – 4 răng sữa, mẹ nên cho bé ăn cháo nguyên hạt hoặc ăn nui sao, nui sò, mì, bún, phở (cắt nhỏ) để bé học cách nhai. Khi nhai sẽ kích thích tiết các men tiêu hóa, giúp bé ăn ngon miệng hơn.

Ở các khóa học hướng dẫn nuôi dạy con, các mẹ sẽ được các chuyên gia hướng dẫn cách lực chọn thực phẩm, cách kết hợp các loại thực phẩm, cách chế biến các món ăn ngon miệng cho bé.

Dưới đây là một số gợi ý về thực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi:

Cháo thịt gà, rau cải bó xôi, cà rốt

Nguyên liệu cho 01 chén cháo:

  • Gạo: 20g (02 muỗng canh đầy)
  • Thịt ức hoặc thịt đùi gà: 30 – 35g (bạn dùng xương gà để nấu cháo)
  • Cải bó xôi, cà rốt: 30g (03 muỗng canh đầy)
  • Dầu ăn: 5g (1 muỗng cà phê)
  • Gia vị: Hạt nêm hoặc nước mắm

Cách làm: Gạo tẻ vo sạch, ngâm 30 phút. Nấu sôi gạo với nước, xương gà và cà rốt xắt hột lựu. Thịt gà làm sạch, xắt nhỏ, bằm xơ, ướp chút hành, xào với dầu ăn, nêm chút hạt nêm (hơi nhạt), cháo chín. Bạn trộn thịt, cải bó xôi cắt nhỏ vào cháo, cho sôi lại, tắt bếp, thêm hành, ngò, cho bé ăn khi cháo hơi nguội.

Cháo thịt gà, cà rốt, cải bó xôi giúp trẻ 9 tháng đủ chất bột, đạm, xơ

Súp nui cua biển, bắp non, cà rốt, trứng gà

Đây là món có nhiều nguyên vật liệu, bạn có thể giảm bớt nguyên liệu nhưng phải đảm bảo đầy đủ lượng calo trong một chén súp cho bé.

Nguyên liệu cho 01 chén cháo:

  • Nui sao (nui sò): 30 – 40g
  • Thịt cua biển: 20g
  • Trứng gà: 1/2 quả
  • Cà rốt, bắp non: 30g
  • Hạt nêm và một ít bột năn hoặc bột bắp

Cách chế biến:

Nui ngâm nở khoảng 30 phút, luộc sơ, bạn cũng có thể không cần luộc mà để luôn vào nồi súp. Cua biển luộc, gỡ lấy thịt, cắt nhỏ. Cà rốt, bắp non cắt nhỏ, trứng gà, lấy 1/2 quả, đánh tan, bột năng 1/2 muỗng cà phê hòa trong một chút nước.

Bắc lên bếp nấu chín cà rốt, bắp non, cho nui vào rồi cho thịt cua, khi cho bột năng, nên đổ từ từ, vừa đổ vừa khuấy không để vón cục, kế tiếp bạn cũng đổ trứng vào nồi theo cách tương tự, chờ sôi đều, tắt bếp, nêm chút hạt nêm, cho hành ngò. Đổ súp ra đĩa cho thêm 1 muỗng dầu ăn. Món này giàu chất đạm, các loại vitamin A, C và caroten từ rau củ.

Súp nui cá, cà rốt giúp bé 9 tháng tập nhai

Cháo thịt heo, đậu xanh, khoai tây

Nguyên liệu:

  • Gạo tẻ và đậu xanh: 20g (2 muỗng canh đầy)
  • Thịt heo file (hoặc thịt bò): 30g (2 muỗng canh)
  • Khoai tây: 20g (khoảng 01 muỗng canh đầy)
  • Dầu ăn: 5g (1 muỗng cà phê)
  • Nước mắm

Cách làm: Gạo tẻ, đậu xanh vo sạch, ngâm 30 phút, nấu sôi với 1 chén nước đầy. Thịt heo, lấy hết màng xơ, xắt nhỏ. Khoai tây gọt vỏ, cắt hột lựu, khi cháo gần chín thì cho khoai vào; thịt sau khi đã cắt nhỏ, bạn có thể xào sơ, hoặc cho trực tiếp vào cháo khi gần chín, nấu sôi lại khoảng 02 – 03 phút, nêm nước mắm, cho hành ngò cắt nhuyễn nếu bé thích. Đổ cháo ra chén và thêm dầu ăn khuấy đều.

Cháo cá hồi bí đỏ

Cá hồi dồi dào protein lại cung cấp một lượng lớn các loại Omega-3 rất có lợi cho sự phát triển não bộ của bé. Cách chế biến cũng rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Gạo tẻ 20g
  • Cá hồi file: 30g
  • Bí đỏ: 30g
  • Hành khô, hành lá
Cháo cá hồi, bí đỏ bổ sung chất đạm và vitamin cho bé 9 tháng

Cách chế biến:

Gạo tẻ vo sạch, ngâm 30 phút, bí đỏ cắt hột lựu, cho gạo và bí đỏ vào nấu sôi với 1 chén nước đầy.

Cá hồi rửa sạch với chanh, muối, hấp chín, bạn cũng có thể áp chảo vì cá hồi rất mau chín. Lúc hấp (áp chảo) bạn cho vào một ít rau cần tây giúp khử mùi tanh. Gỡ cá hồi cẩn thận, tránh để bé bị hóc xương. Phần thịt, sau khi gỡ, bạn đánh tơi, sau đó phi thơm dầu ăn với hành khô, cho cá hồi vào xào sơ rồi đổ ra bát. Cháo chín, cho cá hồi vào, đun sôi lần nữa, cho chút nước mắm rồi tắt bếp, thêm chút hành ngò cho thơm. Múc cháo ra chén rồi cho con ăn lúc ấm nóng.

Với công thức thực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi này, bạn có thể thay thế nguyên liệu như thịt bò, thịt heo, tôm, đậu hũ, trứng, gan… với các loại rau củ khác theo mùa, nấu cùng với nui, mì, bánh canh, phở… để bé thay đổi khẩu vị.

Ngoài những món chính kể trên, thực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi còn có thể bổ sung thêm các món như: bánh flan, sữa chua, bánh quy, khoai lang nướng, khoai tây hấp, bánh mì mềm cắt nhỏ, bánh nướng và các loại trái cây, rau củ luộc cắt thành miếng dài và nhỏ để bé cầm vừa tay và tập tự bốc ăn.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version