Đối với trẻ 2 tháng tuổi, bé cần chế độ chăm sóc đặc biệt để phát triển trí não, thể lực và các giác quan một cách toàn diện. Do đó, cha mẹ đang có con 2 tháng tuổi không nên bỏ qua những lưu ý sau:

Giấc ngủ khoa học với trẻ 2 tháng tuổi

Khi chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi, bạn cần đảm bảo cho bé ngủ 15 – 18 giờ mỗi ngày. Nhu cầu ngủ của bé nhiều hơn giai đoạn trước đó. Vì thế, mỗi khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, bạn nên lập tức ru bé vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, khi cho bé bú xong từ 5 – 30 phút, mẹ cũng nên cho bé ngủ.

Bé cần ngủ đủ giấc để phát triển tốt nhất. Do đó, phụ huynh cần tạo điều kiện để bé ngủ ngon, ngủ sâu. Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát và có nhiệt độ mát mẻ. Gối, nệm phải vệ sinh kỹ lưỡng, đặc biệt là khử mùi khai. Quần áo, nón, bao tay, vớ, gối đầu của bé đều phải được may bằng chất liệu cotton. Đây là chất liệu có khả năng thấm hút cao và vô cùng mềm mại, dịu nhẹ với da bé.

Bé 2 tháng tuổi cần ngủ đủ 15 giờ/ngày trong không gian mát mẻ, êm ái

Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ 2 tháng tuổi khoẻ mạnh

Bên cạnh giấc ngủ, phụ huynh cần chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ở độ tuổi này, bé cần được bú mẹ hoàn toàn. Vì sữa mẹ vừa giàu dinh dưỡng vừa dễ tiêu hoá, hấp thụ lại có cả kháng thể cần thiết cho hệ miễn dịch của bé. Chỉ bà mẹ không đủ sữa cho con bú hoặc đang bị bệnh phải uống thuốc mới nên cho bé bú sữa công thức. Tuy nhiên, người nhà cần nhờ sự tư vấn của bác sĩ để có liều lượng pha sữa phù hợp nhất.

Khi bé 2 tháng tuổi đang ngủ mà cảm thấy đói, bé vẫn chưa biết tự thức dậy và đói bú. Chính vì thế, mẹ phải thường xuyên quan sát bé và nhớ lịch cho bú. Vào ban ngày, cứ khoảng 2 – 3 giờ, mẹ nên cho trẻ bú một cữ. Mỗi cữ cho bé bú cả hai bầu sữa rồi mới ngưng, trừ khi bé từ chối. Ban đêm, mẹ cho bé bú sau 5 – 6 giờ kể từ cữ sữa trước.

Bé 2 tháng tuổi cần bú mẹ hoàn toàn để tăng cường hệ miễn dịch

Cách xử trí các bệnh thường gặp ở trẻ 2 tháng tuổi

Khi chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tình hình sức khoẻ của bé. Không nên bỏ qua bất kỳ biểu hiện bệnh nào mà lại coi thường, chủ quan. Bởi bé 2 tháng tuổi có sức đề kháng rất yếu ớt, bất kỳ biểu hiện nhỏ nào nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ra bệnh nặng hơn.

Sau đây là 4 bệnh mà phụ huynh cần lưu tâm khi chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi:

Cảm vặt

Biểu hiện của bệnh cảm vặt là hắt hơi, ngạt mũi, ho. Đây là bệnh đường hô hấp và bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, môi trường. Thông thường, trẻ sẽ có biểu hiện hắt hơi đầu tiên. Bởi khi bé bị kích ứng với không khí, hắt hơi là phản xạ để tống các dị vật ra ngoài. Khi thấy bé hắt hơi nhiều, bạn cần làm sạch môi trường xung quanh. Không để không khí đầy bụi bẩn, ẩm thấp, có mùi khó chịu hoặc có lông thú cưng. Nếu bé ngạt mũi, phụ huynh cần vệ sinh mũi cho bé bằng các dung dịch dạng xịt dành cho trẻ em. Những dung dịch này sẽ rửa trôi bụi bẩn, chất dịch và khử trùng mũi bé. Trường hợp bé ho nhiều, phụ huynh cần giữ ấm cho bé trước tiên. Nhiệt độ phòng không nên lạnh quá và cần đội nón, bao tay, vớ, mặc ấm cho con.

Đây đều là những cách xử lý tạm thời. Nếu con bạn có triệu chứng nặng, kéo dài thì cần lập tức đưa đi bác sĩ.

Khi bé cảm vặt như hắt hơi, ngạt mũi, ho nên đưa đi gặp bác sĩ để tránh bệnh trở nặng

Tưa miệng

Khi chăm sóc, vệ sinh miệng cho trẻ 2 tháng tuổi, cha mẹ cần chú ý các mảng bám trong miệng bé. Thông thường, các mảng trắng này là phần sữa lắng đọng lại cùng với dịch nước bót. Những mảng bám này có thể dễ dàng rơ rạch bằng vải gạc.

Tuy nhiên, nếu mảng trắng này khó làm sạch, có thể bé đã bị tưa miệng. Tưa miệng bị gây ra bởi nấm có tên Candida albican. Người nhà cần mang bé đến bác sĩ để có cách xử lý đúng nhất.

Rôm sảy

Hầu hết trẻ nhỏ đều bị nổi rôm sảy, đặc biệt là vào mùa hè. Lúc đó, cơ thể bé tiết mồ hôi để làm mát cơ thể. Nếu quần áo không thấm hút kịp thì da bé sẽ ẩm ướt và dễ bị nổi sảy.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng tình trạng này rất thường gặp nên không đưa đi bác sĩ. Ngược lại, họ còn thoa phấn rôm lên da bé. Khi thoa phấn, ngay lập tức da sẽ khô, không còn ẩm ướt. Tuy nhiên, hạt phấn rôm vô tình đọng lại trên da gây bí lỗ chân lông, khiến tình trạng trở nặng.

Tốt nhất, cha mẹ nên đưa bé đi bác sĩ để chẩn đoán liệu những mụn đó có chính xác là rôm sảy hay là bệnh khác. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho bé mặc đồ cotton, điều hoà phòng thoáng mát hơn khi chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi.

Trào ngược dạ dày

Không có trẻ nhỏ nào không bị nôn tháo, ọc sữa. Đó là phản xạ rất bình thường của trẻ em. Tuy nhiên, nếu con bạn thường xuyên bị nôn, trớ thì cần đi gặp bác sĩ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày. Thứ nhất, đó là phản xạ sinh lý bình thường. Thứ hai, do thực quản bé chưa hoàn thiện nên dễ ọc khi nằm hoặc bú quá no. Thế nhưng, nếu trào ngược dạ dày đi kèm với chậm lớn, khó ngủ, nôn ra máu… thì bạn cần đưa bé đi bệnh viện ngay lập tức.

Ghi nhớ những kinh nghiệm chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi nêu trên có thể giúp con bạn khoẻ mạnh hơn. Bởi đây là cách chăm sóc dựa vào việc quan sát kỹ lưỡng, áp dụng chế độ khoa học và không chủ quan trước bất kỳ biểu hiện lạ nào của bé.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version