Bệnh tiêu chảy ở trẻ do virus có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu cha mẹ không điều trị kịp thời. Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em do, tác nhân chủ yếu là do virus, vi trùng hoặc kí sinh trùng. Khi bị tiêu chảy kéo dài mà không được chữa trị sẽ khiến trẻ sút cân, kém phát triển, lâu dần có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Vậy triệu chứng bệnh tiêu chảy ở trẻ là gì, nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em, cách điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ hiệu quả,….tất cả sẽ được chia sẻ chi tiết trong thông tin bài viết dưới đây, mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo nhé.

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em do, tác nhân chủ yếu là do virus, vi trùng hoặc kí sinh trùng 

1. Tiêu chảy ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh tiêu chảy ở trẻ là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì trung bình mỗi năm sẽ mắc 1-3 đợt bệnh tiêu chảy. Phần lớn trẻ tử vong do tiêu chảy gặp dưới 2 tuổi và sống tại những nước đang phát triển. Ngoài ra, do trẻ có thể bị nhiều đợt tiêu chảy trong một năm, đôi lúc phải nhập viện, làm ảnh hưởng đến việc học tập, công việc của cha mẹ và là một gánh nặng cho kinh tế gia đình và xã hội.

Nếu tiêu chảy không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, trẻ sẽ bị “cạn nước trong người” dần, (từ chuyên môn gọi là “có dấu mất nước”). Nếu cơ thể “cạn nước” thì sẽ hoạt động yếu dần. Nếu không bổ sung kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, tiêu chảy cũng làm rối loạn các chất khoáng trong cơ thể. Nếu tiêu chảy kéo dài sẽ dễ đưa đến suy dinh dưỡng, sẽ làm tiêu chảy khó điều trị hơn, và có thể bệnh lý ngày càng nặng và khó kiểm soát. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong.

2. Nguyên nhân bệnh tiêu chảy ở trẻ

Bệnh tiêu chảy ở trẻ có thể do nhiều lý do, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm trùng. Tác nhân có thể là virus, vi trùng, hoặc ký sinh trùng, mỗi loại có biểu hiện và cách điều trị khác nhau. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn (thường gặp bất dung nạp lactose là một loại đường có trong sữa), chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài, v.v…

Mặc dù hầu như bé nào cũng mắc tiêu chảy ít nhất 1 lần trong đời, nhưng có những bé dễ bị tiêu chảy hơn các bé khác. Nhóm trẻ này được gọi là trẻ có nguy cơ cao, bao gồm: những trẻ trong độ tuổi 6 tháng – 2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ không có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ có chế độ ăn không hợp vệ sinh (ví dụ bú bình không đảm bảo vệ sinh, thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, v.v…).

3. Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ

Uống nhiều hơn bình thường: Đây là nguyên tắc rất quan trọng, cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.

Tiếp tục cho ăn: Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú. Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Ở những trẻ có nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Không nên nhịn ăn, giảm khẩu phần ăn hay pha loãng sữa vì trẻ sẽ bị giảm cân, chức năng đường ruột hồi phục chậm hơn và thời gian tiêu chảy sẽ kéo dài hơn. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.

Bổ sung kẽm: các nhân viên y tế sẽ cho bé uống bổ sung kẽm dưới dạng viên hoặc nước, uống l0-14 ngày. Kẽm góp phần giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp giảm nguy cơ tiêu chảy trong thời gian tới.

Khi nào đưa trẻ đi bệnh viện

Đưa trẻ tiêu chảy trở lại cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau:

  • Trẻ không ăn uống được và bỏ bú
  • Sốt cao hơn
  • Trẻ rất khát nước
  • Trong phân có máu
  • Bệnh diễn tiến không khá hơn sau 2 ngày điều trị

4. Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em

  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
  • Cho ăn dặm đúng cách, hợp vệ sinh và đầy đủ các chất (đạm, béo, đường, hoa quả).
  • Sử dụng nước sạch.
  • Ăn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách.
  • Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn, hoặc sau khi trẻ đi tiêu.
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.
Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn, hoặc sau khi trẻ đi tiêu

5. Chăm sóc khi bé bị tiêu chảy kéo dài

Bệnh tiêu chảy ở trẻ khiến bé bị mất nước, mệt mỏi, sút cân và nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và bội nhiễm. Các bà mẹ vẫn hết sức băn khoăn không biết phải chăm sóc con thế nào để bé nhanh khỏi bệnh.

Nhận biết tiêu chảy kéo dài ở trẻ em

  • Tiêu chảy kéo dài là một đợt tiêu chảy cấp kéo dài liên tục trên 14 ngày.
  • Tính chất phân: Phân sệt, không nhiều nước – Phân sống – Số lần đi tiêu thường phụ thuộc vào số lần ăn.
  • Tất cả các tác nhân gây tiêu chảy cấp đều có thể gây tiêu chảy kéo dài.
  • Khoảng 3 – 10% trẻ bị tiêu chảy cấp trở thành tiêu chảy kéo dài.

Những yếu tố có tính chất quyết định làm cho bệnh tiêu chảy ở trẻ trở thành tiêu chảy kéo dài:

  • Trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng.
  • Trẻ có một chế độ nuôi dưỡng không phù hợp với lứa tuổi.
  • Trẻ trải qua quá trình điều trị bằng kháng sinh kéo dài liều cao tích cực trong cả nhiễm trùng đường ruột và ngoài đường ruột.
  • Trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hoá nhiều lần.

Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy kéo dài:

  • Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
  • Trẻ nuôi bằng sữa bò.
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch như suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh AIDS.

Hậu quả của tiêu chảy kéo dài:

  • Do một thời gian mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ kéo dài, khả năng hấp thụ của ruột giảm nên dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
  • Tình trạng mất nước và rối loạn điện giải đi kèm tiêu chảy kéo dài (nhưng thường không nặng bằng tiêu chảy cấp).
  • Bội nhiễm: trong trường hợp tiêu chảy kéo dài trên cơ địa suy dinh dưỡng nặng thường là nguyên nhân chính gây tử vong cao ở những trẻ này.

Hướng điều trị tiêu chảy kéo dài:

  • Tăng cường chế độ dinh dưỡng phù hợp.
  • Bù nước và điện giải.
  • Điều trị tình trạng bội nhiễm đi kèm.
  • Những điều bà mẹ nên làm khi trẻ bị tiêu chảy:
  • Cho trẻ tiếp tục ăn và uống thêm ORS.
  • Phát hiện sớm dấu hiệu mất nước.
  • Đưa trẻ đi khám đúng lúc.
  • Bỏ các tập quán sai lầm như: cho trẻ nhịn ăn khi bị tiêu chảy, kiêng không cho trẻ ăn các thức ăn giàu năng lượng, bổ dưỡng vì sợ trẻ ăn không tiêu…
  • Biết theo dõi cân nặng cho trẻ theo biểu đồ tăng trưởng.
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không được sử dụng những loại thuốc như: thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm nhu động ruột, thuốc hấp thụ nước, thuốc chống ói.
  • Không sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Phải cho trẻ ăn thêm một bữa trong ngày ít nhất là 2 tuần sau khi hết tiêu chảy nhằm phục hồi nhanh chóng tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.
  • Nếu lượng nước mất được tính dưới 5% trọng lượng cơ thể lúc trẻ khoẻ mạnh được gọi là loại không mất nước: Bà mẹ cần biết cách nuôi dưỡng trẻ bị tiêu chảy kéo dài, bác sĩ có thể cấp toa thuốc điều trị tại nhà cho trẻ và khám lại trong 5 ngày.

Trong thời gian đó bà mẹ nên:

  • Tiếp tục cho trẻ ăn
  • Nếu trẻ bú sữa mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú bình thường.
  • Nếu trẻ bú sữa bò < 6 tháng thì vẫn cho trẻ bú bình thường nhưng cho uống thêm một lượng nước chín là 100 – 200ml mỗi ngày. Trường hợp bú sữa bò bệnh tiêu chảy ở trẻ tăng thêm thì có thể dùng sữa đậu nành hoặc loại sữa không có Lactose.
  • Nếu trẻ đã ăn được thì thức ăn nên nấu kỹ, nhuyễn, dễ tiêu hoá chia thành nhiều bữa trong ngày ít nhất là 6 lần/ngày.
  • Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn thô; thức ăn, nước uống chứa nhiều đường, chất béo; các loại nước giải khát công nghiệp.
  • Sau khi hết tiêu chảy cho trẻ ăn thêm 1 bữa trong ngày ít nhất là 2 tuần để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để phòng chống mất nước: ORS là dung dịch để bù nước và điện giải trong điều trị tiêu chảy là tốt nhất, mỗi gói pha trong 1 lít nước sạch để uống.

Lượng ORS uống trong trường hợp được điều trị tại nhà được tính theo cân nặng: 100ml cho 1kg cân nặng uống sau mỗi lần tiêu chảy.

Nếu không có sẳn ORS bà mẹ có thể pha một số dung dịch thay thế tương đương tại nhà như:

  • Nước mặn ngọt: 3g muối + 18g đường + 1 lít nước sạch.
  • Nước cháo muối: 3g muối + 80g bột hoặc gạo + 1,2 lít nước.
  • Nước dừa muối: 1lit nước dừa + 3g muối.

Trong 2 ngày nếu trẻ có một trong 6 triệu chứng sau đây phải mang trẻ đi khám ngay:

  • Trẻ bị sốt cao.
  • Trẻ khát nước nhiều.
  • Trẻ ăn, bú kém hơn.
  • Trong phân của trẻ có máu.
  • Trẻ ói nhiều lần.
  • Phân nhiều nước, tiêu nhiều lần hơn.
  • Nếu lượng nước mất được tính ≥ 5% trọng lượng cơ thể lúc trẻ khoẻ mạnh được gọi là loại có mất nước.

Điều trị đúng khi trẻ bị tiêu chảy cấp.

  • Sử dụng kháng sinh hợp lý, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Điều trị và dự phòng suy dinh dưỡng.

6. Chữa trị và phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ

Virus Rota chính là thủ phạm cướp đi sinh mạng hơn nửa triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây ra hơn 2 triệu trường hợp nhập viện mỗi năm.

Virus Rota lây truyền rất dễ dàng. Hầu hết trẻ nhỏ đều bị nhiễm virus Rota trước lúc 5 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch và cơ quan tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên rất dễ bị tấn công. Tại Việt Nam, tiêu chảy do virus Rota là nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ, cứ hai trẻ bị tiêu chảy cấp nhập viện thì có một trường hợp là do nhiễm virus Rota.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị lây nhiễm

Virus Rota rất dễ lây lan vì lượng virus đào thải qua phân rất lớn và có khả năng tồn tại và sống dài ngày trong môi trường. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, trên các đồ vật xung quanh trẻ như: bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, nguồn nước, các vật dụng trong gia đình,…

Virus lây lan phổ biến qua đường tiêu hóa, từ phân người bệnh trước, trong và cả sau khi tiêu chảy đã hết sẽ lan truyền lên các đồ vật trong môi trường, đặc biệt là qua bàn tay. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, khả năng nhiễm virus Rota rất cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc với tay người và các đồ vật bằng chính tay, miệng của trẻ. Vì vậy trẻ cần được phòng ngừa càng sớm càng tốt.

Biểu hiện của nhiễm virus Rota

Sau khi nhiễm Rotavirus khoảng 6 đến 12 giờ, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi đầu là sốt, nôn ói dữ dội có thể đến 15 lần/ngày. Sau đó bệnh tiêu chảy ở trẻ bắt đầu, phân toàn nước liên tục 10-20 lần/ngày.

Do trẻ vừa bị ói lại vừa tiêu chảy nhiều lần khiến không thể bù nước bằng việc uống nước như lúc bình thường. Lúc này, phải cho trẻ nhập viện để truyền dịch, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thường rất dễ bị suy dinh dưỡng vì kém hấp thu thức ăn do ruột non bị tổn thương.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus Rota. Bệnh tiêu chảy ở trẻ do virus Rota thường phải nhập viện điều trị, truyền tĩnh mạch để bù dịch (do trẻ nôn ói nhiều nên khó bù dịch bằng đường uống), hạ sốt, tiếp tục cho bú mẹ, bổ sung dinh dưỡng thích hợp như cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa trong ngày và bù kẽm…

Trẻ đang và sau khi bị bệnh thải ra lượng rất lớn virus qua phân, vì vậy rất dễ dàng lây sang trẻ khác và người chăm sóc. Cần phải tách và chăm sóc riêng các trẻ bệnh.

Phòng ngừa tiêu chảy do virus Rota

Do bệnh tiêu chảy ở trẻ thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được cho uống ngừa càng sớm càng tốt

Các biện pháp vệ sinh tiệt trừ thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác như bú mẹ, cung cấp nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường không đủ bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm tác nhân này. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để bảo vệ bé khỏi sự tấn công của loại virus này là chính là chủng ngừa (tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy).

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, hãy chủng ngừa cho tất cả trẻ em để phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota. Do bệnh tiêu chảy ở trẻ thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được cho uống ngừa càng sớm càng tốt. Các bậc cha mẹ có con dưới 6 tháng tuổi, hãy đưa bé đến trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện gần nhất để uống vắc-xin ngừa virus Rota.

Hy vọng với nguyên nhân và cách điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ trên đây sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều kiến thức hữu ích, chăm sóc sức khỏe bé yêu một cách hiệu quả, tránh được những nguy hiểm không mong muốn. Chúc con yêu của bạn luôn khỏe mạnh, phát triển toàn diện mỗi ngày và hãy luôn đồng hành cùng big.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị.

Share.
Exit mobile version