Có nên rung lắc trẻ sơ sinh?

Rung lắc trẻ dưới 2 tuổi là hành động rất phổ biến ở người lớn. Hành động này tưởng chừng như đơn giản. Nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến trẻ mà ba mẹ không biết. Cùng xem những thông bên dưới để hiểu hơn vấn đề này ba mẹ nhé.

Kèm theo sự tung lắc, xốc trẻ khi chơi đùa là tiếng cười nắc nẻ của bé. Tuy nhiên, hãy dừng lại ngay! Vì điều này rất nguy hiểm cho não trẻ. Và có thể để lại những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong…

Rung lắc trẻ gây tổn thương não

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, đa số hội chứng rung lắc gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Trong đó, tỉ lệ mắc hội chứng lắc xảy ra cao nhất ở trẻ nhũ nhi (0-6 tháng tuổi). Ở trẻ sơ sinh, kích thước đầu và trọng lượng chiếm khoảng 1-4 so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ. Khoảng trống này cho phép não tiếp tục lớn và phát triển.

Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu. Nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui. Họặc có thể xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.

Trẻ con rất mỏng manh, cấu trúc não còn chưa ổn định, xin đừng rung lắc trẻ!

Khi rung lắc trẻ, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này. Chúng sẽ chuyển lực tới não. Não lúc này không có sự di chuyển đồng bộ. Nó sẽ gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ. Va đập này làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách. Vết rách gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện. Làm tăng áp lực nội sọ.

Những tổn thương do rung lắc trẻ có thể là vĩnh viễn

Hậu quả có thể còn nặng nề hơn nếu đầu trẻ va cham mạnh vào một bề mặt nào đó. Bề mặt này có thể là tường, sàn nhà hay giường. Khi đó, trẻ bị dừng lại đột ngột bởi một va chạm mạnh. Hậu quả là não sẽ bị xoắn vặn trong hộp sọ. Dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ. Các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.

Các nghiên cứu cho thấy, những tổn thương có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong. Đó là lý do các chuyên gia khuyến cáo không rung lắc trẻ dưới 2 tuổi.

Nguyên nhân từ sự vô tình

Có thể bạn sẽ giật mình khi biết nguyên nhân chính là bạn vô tình sử dụng với trẻ. Bạn có thể rung lắc trẻ trong khi chăm sóc và chơi đùa. Hoặc không kìm nén được cơn tức giận khi trẻ khóc hay quấy. Nhiều bậc cha mẹ mất tự chủ hoặc có thói quen xốc trẻ lên cao. Hoặc lắc dữ dội để thoả cơn giận.

Các ông bố có khuynh hướng hay biểu hiện sự yêu thương con bằng cách lắc trẻ. Hoặc tung lên rồi bắt lấy. Hay trò chơi “nhong nhong ngựa ông đã về” để trẻ lên chân rồi lắc. Việc ru cho trẻ ngủ bằng cách lắc lắc, đu đưa trên tay, cũng có thể nguy hiểm. Hoặc trẻ ở tư thế đứng khi đi đường xe xóc, khiến trẻ gập tới gập lui. Đưa võng quá mạnh cũng vậy. Rung lắc đưa võng mạnh gây tổn hại não trẻ.

Rung lắc đưa võng mạnh gây tổn hại não trẻ

Khó phát hiện

Vì triệu chứng của bệnh do rung lắc trẻ thường không rõ ràng. Nó cũng dễ nhầm lẫn với một số tình trạng khác. Ví dụ như nhầm với nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa… nên khó phát hiện. Nhất là những trường hợp nhẹ, thường bị bỏ qua.

Trẻ thường có các biểu hiện sau: Quấy khóc nhiều, bỏ ăn hay bỏ bú, ói, ngủ lịm. Gương mặt không cảm xúc, không chịu cười đùa. Trương lực cơ kém (cơ nhẽo). Da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán. Ở thể nhẹ này, ít cha mẹ nào nghĩ rằng con mình bệnh mà đưa đến bác sĩ khám. Và điều nguy hiểm cũng chính ở điểm này. Vì không biết nên càng rung lắc khiến trẻ tổn thương nặng hơn.

Nặng hơn là khó thở, ngừng thở hoặc co giật. Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ. Hoặc cổ nghẹo về một bên, khó quay. Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu này và có kèm theo tình trạng hay lắc trẻ, bạn hãy nghĩ đến ngay đến hội chứng này. Hãy đưa đến bác sĩ thăm khám và tư vấn thích hợp. Đừng chỉ nghĩ do trẻ hay bị bệnh mà bỏ qua những triệu chứng có thể đến từ việc rung lắc trẻ.

Thương con thì đừng rung lắc trẻ

Đừng xem thường cái lắc

Để phòng ngừa những nguy hiểm do hội chứng này, Bác sĩ Lê Thanh Hải khuyến cáo: Tuyệt đối không được rung lắc trẻ. Cũng không đung đưa mạnh đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Bởi những tổn thương không chỉ xảy ra trong thời điểm hiện tại. Nó có thể ảnh hưởng về lâu dài. Đây cũng có thể là một trong những sai lầm khiến trẻ hay ốm.

Các bậc cha mẹ cũng không nên có những động tác làm thay đổi từ thế trẻ nhanh đột ngột.Ví dụ như trẻ đang năm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao. Hoặc xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống. Đặc biệt, khi trẻ quấy khóc hoặc làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ.

Khi di chuyển trẻ, hãy giữ cổ ở tư thế tương đối cố định. Không ôm giữ trẻ khi cãi cọ. Khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân. Không nên bỏ qua chi tiết này. Những bậc ông bà của trẻ cũng không nên vì qúa yêu trẻ mà rung lắc. Cũng đừng tạo áp lực cho cha mẹ của trẻ khi trẻ khóc nhiều.

Theo Dân Trí

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version