Tôi chưa hề thấy việc công khai xếp loại tiên tiến, xuất sắc như ở Việt Nam….
Tôi có hai con hiện đang đi học ở trường công lập của Nhật bản, hai cháu nay đã là học sinh Trung học cơ sở. Tôi xin chia sẻ đôi nét để mọi người dễ hình dung về cách nhà trường đánh giá kết quả học tập, sinh hoạt ở trường và thái độ của phụ huynh như thế nào.
Báo cáo kết quả này là mẫu dùng thống nhất, liệt kê đầy đủ nhưng ngắn gọn thành tích cho cả một năm học của học sinh. Đối với học sinh tiểu học thì bảng đánh giá kết quả trông như một tấm bìa gấp làm 3, kích thước như tờ A4 gấp lại.
Với học sinh Trung học cơ sở thì có vẻ to hơn, như tờ giấy khổ rộng gấp đôi lại (giống tờ A4, giấy cứng). Ngoài cùng là thông tin về năm học, tên học sinh, lớp, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, tên trường.
Trang thứ hai là phần kết quả học tập các môn của ba kỳ gộp lại bao gồm tên môn học, tiêu chuẩn đánh giá và kết quả. Kết quả ở Tiểu học dựa trên 3 mức: Rất tốt, Tốt và cần cố gắng.
Lên cấp hai, do con tôi chuyển tới trường Nhật ở nước ngoài nên theo như tôi thấy thì có tới 5 mức theo số từ một đến 5, hoặc từ A đến E. Mời mọi người xem qua một số tiêu chí đánh giá tôi tạm dịch như sau ở một vài môn cơ bản của cấp tiểu học:
Môn Quốc ngữ sẽ được dựa trên một số tiêu chí sau:
- Thái độ, sự quan tâm, động lực với môn Quốc ngữ
- Khả năng nghe, nói
- Khả năng viết
- Khả năng đọc
- Hiểu biết về ngôn ngữ
Môn Xã hội
- Thái độ, sự quan tâm, động lực với những hiện tượng xã hội
- Suy nghĩ, quyết định và thể hiện về xã hội
- Kỹ năng sử dụng các tài liệu
- Hiểu biết, tri thức về các hiện tượng xã hội
Môn Toán
- Thái độ, động lực và sự quan tâm với toán số
- Năng lực tư duy và nhìn nhận về toán
- Kỹ năng toán số
- Hiểu biết và tri thức về toán số và hình học
Môn Nhạc
- Thái độ, động lực và sự quan tâm với môn nhạc
- Sự sáng tạo trong thể hiện âm nhạc
- Kỹ năng thể hiện
- Năng lực xướng âm…
Tiếp theo là môn Họa, thể dục, kỹ năng và thường thức gia đình, tiếng Anh mỗi môn có 4 tiêu chí, và tiếng Anh đàm thoại là tiêu chí về sự hứng thú, kỹ năng nói, kỹ năng viết..
Như trên tôi đã đề cập, ở cấp trung học cơ sở thì ở trường con tôi theo học có mức từ một tới 5 tương ứng với ABCDE.
Trang thứ ba là nhận xét về ngoại khóa, ví dụ giao lưu cộng đồng thì đã tham gia như thế nào?
Tiếp theo là phần nhận xét tổng thể về mọi mặt, cụ thể là tính trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, cải thiện thế chất, sức khỏe. Ngoài ra, bảng kết quả còn đề cao sự cảm thông và hợp tác, sự bảo trọng cá nhân và tình yêu thiên nhiên, lao động và những việc công, sự bình đẳng, bình quyền, sự tôn trọng quan tâm đến các khách thể.
Bên cạnh đó, bảng báo cáo kết quả còn có phần về hoạt động đặc biệt trong kỳ học, năm học, ví dụ năm rồi cháu tham gia các hoạt động nào của nhà trường? Đạt thành tựu gì ?
Bảng này cũng không thể thiếu nhận xét chung của giáo viên chủ nhiệm về những điểm nổi bật đã đạt được và những điều cần khắc phục.
Giáo viên chủ nhiệm đã nhận xét về con gái tôi như sau: “Đã tích cực tham gia lễ hội của trường, nỗ lực luyện tập hát đồng ca. Lo lắng cho bạn và gắng để cùng các bạn giúp cả phần việc của bạn vắng mặt. Về mặt học tập thì đã không còn quên đồ dùng nữa, nhưng cần cố gắng để nêu câu hỏi với giáo viên khi có vấn đề không hiểu”.
Có phần ý kiến của phụ huynh với nhà trường về chuyện học tập của con em mình nhưng rất cô đọng.
Trang cuối là xác nhận của nhà trường về kết quả học tập của học sinh, chỉ ghi đơn sơ là nhà trường xác nhận trên đây là kết quả của học sinh thôi. Và sau cùng chính là bảng tổng kết về thời lượng tham gia học tập của học sinh như số ngày đi học, số ngày nghỉ.
Bảng tổng kết này được phát cho mỗi học sinh ở buổi học cuối cùng của mỗi kỳ. Sau mỗi kỳ thì các cháu phải nộp lại cho nhà trường và kỳ cuối thì được giữ lại. Mỗi em sẽ biết kết quả của mình, tất nhiên có thể khoe cho nhau nhưng nhìn chung là của ai người nấy biết.
Bố mẹ và ông bà cũng háo hức xem kết quả con cháu mình trong kỳ vừa rồi thế nào, có gì khác nếu là kỳ kế tiếp. Mỗi dịp về thăm ông bà sau khi kết thúc kỳ học, chồng tôi thường nhắc các con mang bảng báo cáo đó về cho ông bà xem.
Nhà trường cũng có những khen ngợi cho những em không nghỉ học buổi nào hay đọc nhiều sách… nhưng tôi chưa từng thấy việc công khai xếp loại tiên tiến, xuất sắc như ở Việt Nam.
Thường trong quá trình học thì có các bài kiểm tra nhỏ, với thang điểm là 100. Qua các bài kiểm tra thường xuyên đó, phụ huynh cũng biết được sức học của con mình và tùy theo mục tiêu giáo dục, năng lực tài chính, hướng nghiệp tương lai của gia đình để quyết định cho con đi học thêm ở các trung tâm bồi dưỡng kiến thức hay không? Hoặc có biện pháp giúp con mình cải thiện môn học cần cố gắng.
Tất nhiên, chẳng có mô hình nào là hoàn hảo và mô hình tiến bộ hay không còn tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhưng tôi thì hài lòng với cách đánh giá kết quả như hiện tại vì ít nhất trẻ con không bị áp lực thành tích. Và gia đình tùy điều kiện, tùy hướng nghiệp và khả năng của con mà có cách thức để con cải thiện chất lượng học tập.
Vả lại, con trẻ không chỉ học chữ mà còn phải được rèn luyện về sức khỏe, những kỹ năng trong cuộc sống, sự hài hòa với thiên nhiên và tôn trọng, cảm thông với con người.
Linh Lan
Theo VnExpress