Sởi, thuỷ đậu, tay chân miệng, còi xương là những bệnh lý thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi do hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu. Vì thế, bạn nên lưu ý trong sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng để có thể phòng và phát hiện sớm bệnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các mẹ có thể tham khảo những dấu hiệu bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi dưới đây để ngừa bệnh cho trẻ hoặc để có những cách điều trị kịp thời.

Bệnh sởi và Rubella (bệnh sởi Đức)

Sởi là loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh dễ lây từ người sang người, nên khi trẻ chẳng may tiếp xúc với đồ vật hay môi trường có mầm bệnh đều dễ dàng bị nhiễm. Biểu hiện bệnh thường là sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp  thời trẻ rất dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim và rối loạn tiêu hoá.

Trẻ dưới 5 tuổi thường mắc bệnh sởi

Rubella cũng là một bệnh do virus gây ra và dễ lây nhiễm. Tuy không gây những biến chứng nguy hiểm như Sởi, nhưng các mẹ cũng không nên xem thường. Nếu thấy bé có những biểu hiện như sốt, cơ thể mệt mỏi, quấy khóc kèm theo đau họng, chảy nhiều dịch mũi, nổi ban đỏ thành từng đốm, dát sần, các mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Để phòng bệnh, các mẹ có thể tiêm ngừa vắc xin MMR ( vắc xin ngừa sởi, Rubella và quai bị) cho bé. Ngoài ra, giữ vệ sinh thân thể cho trẻ và bổ sung vitamin A trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Bệnh tay – chân – miệng

Hè và đầu thu là thời điểm trẻ dễ mắc phải bệnh tay chân miệng. Khi mắc bệnh, trẻ thường chán ăn, sốt nhẹ, đau họng, ho, đau bụng, trong khoang miệng và lòng bàn tay, bàn chân có những nốt phỏng nước. Bệnh thường kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm cơ tim, phù phổi, viêm màng não.

Cách phòng bệnh đơn giản nhất là giữ vệ sinh chân tay cho bé, thường xuyên tẩy trùng đồ chơi, giữ nơi ở của bé được thoáng mát, sạch sẽ, tránh để bé tiếp xúc với người bệnh.

Bệnh thuỷ đậu

Đây cũng là loại bệnh trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc phải. Virus Varicella zoster chính là nguyên nhân gây bệnh. Thời gian ủ bệnh thường là 14-15 ngày, sau đó trẻ bắt đầu sốt nhẹ, chóng mặt, từ thân rồi đến mặt và quanh miệng nổi những nốt mụn nhỏ.

Bệnh thủy đậu ủ bệnh trong 2 tuần sau đó mới phát sốt

Khi trẻ mắc bệnh, các mẹ nên cho trẻ mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, bôi thuốc sát trùng lên những nốt mụn, và cố gắng không để trẻ gãi lên da để tránh làm vỡ nốt mụn nước và khiến da bị xây xước dễ nhiễm trùng.

Bệnh giun sán

Trẻ ăn nhiều nhưng vẫn còi cọc, dù bạn đã cải thiện chế độ dinh dưỡng nhưng trẻ vẫn không tăng cân, khi gặp những biểu hiện trên, đa số các mẹ nghĩ trẻ bị suy dinh dưỡng, nhưng còn một nguyên nhân khác chính là con bạn đang bị giun sán kí sinh. Bệnh về lâu dài không được điều trị có thể gây nên thiếu máu, viêm tắc ruột và còi xương ở trẻ.

Cách phòng trị bệnh hiệu quả là mẹ cho bé uống thuốc tẩy giun định kì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Thức ăn của bé nên được nấu chín kĩ, giúp bé vệ sinh tay chân, loại bỏ thói quen mút tay và dùng tay để bốc thức ăn. Không để trẻ chơi trên sân cát, nền nhà bẩn nhất là vào mùa hè.

Chỉ cần lưu tâm và trang bị kiến thức là mẹ đã có thể phòng một số bệnh đơn giản cho bé cũng như có những biện pháp kịp thời hỗ trợ quá trình phát hiện sớm bệnh.

Share.
Exit mobile version