Hỏi:

Con trai tôi có phải là trẻ chậm nói không? Cháu 22 tháng tuổi nhưng nói được rất ít, chỉ nói một số từ không rõ lắm, như mạ (mẹ), chi (đi), bà, xù, chịt (thịt), chẹp (đẹp)… Khi muốn gì, cháu chỉ ê a, không nói ra.

Cháu hiểu hết những gì người lớn hỏi như các bộ phận của cơ thể hay đồ vật, con vật, tên người… Khi bố mẹ bảo cháu cầm đồ, lấy đồ ở đâu, để vào đâu… cháu đều làm đúng cả. Lúc chị chơi đùa, cháu cũng bắt chước được các trò chơi nhưng không nói. Tôi rất lo lắng không biết phải làm thế nào với con. Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên xem con tôi có bị sao không, trẻ chậm nói có nên đi khám không. Tôi phải chăm sóc trẻ thế nào để bé nhanh nói hơn? (Hạ Thảo)

Trả lời:

Chào bạn,

Như bạn chia sẻ, con nhà bạn đã nói được một số từ nhưng ngọng chưa rõ, khi có nhu cầu hay lấy đồ vật, thay vì gọi tên thì con lại ê a để đòi hỏi, con có hiểu và thực hiện được các mệnh lệnh mà người trong gia đình đưa ra, có biết bắt chước chơi tương tác với chị trong nhà tuy nhiên không chịu nói. Với những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa đủ cơ sở để có thể kết luận cháu đang nằm ở diện rối loạn nào, có thực sự có rối loạn hay không?

Tuy nhiên có thể nhìn thấy điều đầu tiên là trẻ chậm nói hơn so với lứa tuổi. Vấn đề nữa là nhu cầu sử dụng ngôn ngữ của cháu còn đang rất hạn chế: cháu có mong muốn nhưng không muốn dùng ngôn ngữ nói để thể hiện mà chỉ thể hiện bằng âm ê a hoặc hành động.

Cách dạy trẻ chậm nói hiệu quả là hãy tạo cho cháu một môi trường để dạy trẻ tư duy bằng ngôn ngữ, đó là khi con có nhu cầu, mong muốn nào đó thì bắt buộc con phải nói theo yêu cầu của người thân trong gia đình. Nếu không nói thì cháu sẽ không được đáp ứng nhu cầu đó. Mẹ hãy tập thói quen nói chuyện nhiều với bé và đặt câu hỏi để bé nói nhiều hơn.

Cho bé tham gia chung các hoạt động của gia đình là một cách hiệu quả để dạy con. Chẳng hạn như mẹ có thể tranh thủ lúc chế biến thực phẩm cho trẻ, hỏi trẻ xem thích loại thực phẩm nào hơn,có thích ăn món này hay không, tạo điều kiện để bé nói.

Giao tiếp thường xuyên sẽ giúp trẻ chậm nói nhanh nói hơn

Khi giao tiếp với con, cần chú ý cho con nhìn ngang tầm mắt với miệng của mình, nói chậm, to, rõ để con có thể bắt chước nói theo mình. Đồng thời, nếu con nói những âm sai thì cần phải sửa để con nói đúng và nghe người lớn nói đúng. Việc con nói các từ chưa đúng có thể do người lớn trong khi nuôi dạy con thường nói nựng, làm méo mó âm thanh phát ra. Vì vậy con sẽ bắt chước theo những âm nói sai đó. Điều này không chỉ đúng trong việc dạy trẻ chậm nói mà còn với các trẻ khác đang tuổi tập nói.

Bên cạnh đó, để có thể nắm rõ tình hình của con bạn hiện có rối loạn hay không, có rối loạn thì nằm trong diện nào, bạn có thể đưa con đến các trung tâm y tế hay các trung tâm hỗ trợ tâm lý để con được kiểm tra một cách tổng thể nhất. Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra hướng can thiệp phù hợp nhất với tình hình của con bạn.

Chúc bạn sớm thành công.

Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Ly
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version