Dù biết rằng không nên ép trẻ học nhiều ở lứa tuổi tiểu học còn non nớt nhưng ngày nào tôi cũng ép con học bài buổi tối dù cô giáo không giao bài tập về nhà. Suốt một học kỳ hai mẹ con “đánh vật” với nhau chỉ vì mục tiêu “Cuối học kỳ con phải đạt điểm 10”.
Thế nhưng, sau buổi thi học kỳ 1, con có nói với tôi rằng: Mẹ à, môn Toán con viết sai mấy lỗi nên chắc không được 10 điểm đâu. Thế rồi ánh mắt len lén nhìn mẹ như đón nhận một trận trách mắng.
Quả thực tôi không thích nghe điều đó. Tôi mong muốn và kỳ vọng rằng con mình phải là một học sinh học tốt nhất trong lớp. Tôi đã mắng con rất nhiều lần vì những bài toán sửa chữa be bét, những câu văn lủng củng vì viết thiếu từ, sai chính tả….
Các bạn kỳ vọng gì vào một đứa trẻ ở lứa tuổi tiểu học? Một vài người bạn của tôi nhất quyết chọn cho con trường chuyên, lớp chọn, tìm thầy cô dạy tốt để gửi con học thêm học nếm với quan niệm “gốc có tốt thì cây mới phát triển”.
Còn tôi, nhiều lúc giật mình khi nghĩ rằng con không học trường chuyên, không vào lớp chọn, cũng không học thêm học nếm ở bậc tiểu học thì khi học lên cấp cao hơn liệu có theo kịp bạn bè, có bắt nhịp được với áp lực học hành hay không. Bởi thế, dù biết rằng không nên ép trẻ học nhiều ở lứa tuổi tiểu học còn non nớt nhưng ngày nào tôi cũng ép con học bài buổi tối dù cô giáo không giao bài tập về nhà.
Với môn Toán, tôi mua một số sách tham khảo dành cho học sinh khá, giỏi về và mỗi tối ép con phải làm từ 3 đến 5 bài toán. Để hoàn thành chỉ tiêu, bản thân tôi cũng phải ngồi học cùng con để phân tích, hướng dẫn con tìm cách giải. Thế nên, con tôi đã gọi thời gian đó là “học toán cùng mẹ”. Ngoài ra, tôi còn muốn con tham gia thi giải toán qua mạng.
Để con học tốt tiếng Việt, tôi lên mạng sưu tầm rất nhiều bài văn mẫu hay để cháu đọc và học theo. Thế mà có những bài tập làm văn cháu phải viết đi viết lại tới ba bốn lần mới tạm ổn. Ngoài ra, con còn phải học tiếng Anh, thực hành tin học…
Cứ đều đặn như vậy, suốt một học kỳ hai mẹ con “đánh vật” với nhau chỉ vì mục tiêu “Cuối học kỳ con phải đạt điểm 10”.
Thực sự con tôi không muốn “bị ép” học nhiều như vậy. Cháu thường hỏi: Cô giáo không giao bài tập về nhà sao mẹ cứ bắt con làm nhiều thế! Hoặc hôm nay mẹ cho con nghỉ học đi, mai là thứ bảy rồi. Những lúc đó tôi lại mang chuyện con không được giấy khen năm học trước ra để nhắc nhở, để con tự nhận thấy bản thân phải cố gắng cho bằng bạn bè trong lớp, trong khu phố.
Tôi không nghĩ rằng mình đã vô tình gieo cho con nhiều nỗi sợ: Sợ không được điểm 10, không được cô giáo khen, không được khoe thành tích như các bạn hàng xóm, sợ mẹ buồn, mẹ giận… Với một đứa trẻ còn đang mải chơi và chưa có ý thức tự học, càng ép ngồi vào bàn học, chúng càng nghĩ ra các chiêu trò tránh né cho nhanh hết giờ. Thế nên, dù vẫn cùng con học bài mỗi tối nhưng tôi biết hiệu quả chẳng được là bao.
Một tối, tôi cho con nghỉ, không phải học bài ở nhà nữa. Thằng bé nhìn tôi kinh ngạc rồi hỏi đi hỏi lại rằng mẹ có nói thật không? Tại sao lại không phải học bài? Sự vui sướng, háo hức hiện rõ trên khuôn mặt con.
Lúc ấy, tôi tự hỏi lẽ nào chỉ vì một điểm 10, vì một tờ giấy khen mà tôi đã đánh cắp của con những phút giây tươi vui, hồn nhiên của trẻ nhỏ? Nếu tôi không ép con ngồi lì vào bàn học hàng giờ đồng hồ mỗi tối như một chuyện hiển nhiên phải thế, có lẽ con sẽ không vui như vừa được “giải thoát”.
Đó là câu chuyện của hai mẹ con tôi trong học kỳ 1 vừa qua. Một học kỳ tôi đã có được sự hài lòng khi nhận thấy sự tiến bộ trong học tập. Song, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng vì ánh mắt len lén nhìn mẹ, sợ bị trách mắng nếu “trượt” điểm 10…