Bé yêu của bạn đã được 6 tháng tuổi? Bạn nên tập cho bé làm quen với những  món ăn dặm đầu tiên. Trong giai đoạn này, bạn cần chuẩn bị cho bé những món  ăn vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng vừa tạo cho bé sự hứng thú với những bữa ăn để tạo tiền đề cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của bé. Việc chọn thực đơn cho bé 6 tháng chắc chắn sẽ làm bạn bận rộn hơn, nhưng cũng là niềm hạnh phúc của các bà mẹ khi thấy bé có được những bữa ăn ngon, được nhìn cái miệng chúm chím của con yêu khi bạn đút cho bé từng muỗng bột.  

Các khóa học nuôi dạy con dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia dinh dưỡng sẽ gợi ý cho bạn những thực đơn cho bé 6 tháng phù hợp và khoa học nhất, vì ở giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, bé chưa  làm quen với nguồn dinh dưỡng nào khác ngoài sữa mẹ, nên mẹ cần chú ý khi chế biến thực đơn cho bé phải được thực hiện đúng hai nguyên tắc:

Tập cho bé ăn từ bột loãng đến bột đặc

Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng nhằm  đảm bảo cho hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện của bé không phải hoạt động quá sức, cũng là cách giúp bé không bị sặc hay bị nghẹn khi ăn. Những bữa ăn dặm đầu tiên, bạn có thể tập cho bé ăn 1 – 2 muỗng bột loãng, vào đúng giờ các bữa ăn chính để tập cho bé quen với khẩu vị và cũng tạo cho bé thói quen ăn theo giờ.

Bé 6 tháng tuổi nên ăn từ bột loãng trước khi ăn bột đặc

Cho bé ăn từ ít đến nhiều

Khi bé đã tập ăn được khoảng 1 – 2  tuần, bạn tăng khẩu phần mỗi bữa của bé lên nhiều hơn một chút, cứ thế cho đến khi bé có thể ăn được từ 1/3 rồi đến nửa chén bột mỗi bữa. Hàng ngày, bạn hãy cho bé ăn từ  2 đến 3 bữa bột  xen kẽ với các bữa sữa. Sẽ có những lúc bé  ăn rất ngon miệng và ăn nhanh, gọn,  nhưng bạn đừng cho bé ăn thêm, vì nếu ăn quá nhiều, bé rất dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Cho bé ăn bột từ vị ngọt đến vị mặn

Khi bé bắt đầu giai đoạn ăn dặm, bạn nên cho bé ăn các bữa bột có vị ngọt  của sữa trước. Vì khi tiếp xúc với món ăn mới có vị gần với vị của sữa mà bé đang ăn hàng ngày, bé sẽ không bị thay đổi khẩu vị đột ngột, bé sẽ có hứng thú với món ăn mới hơn. Hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều loại bột được chế biến sẵn cho bé ở các độ tuổi. Bạn hãy chọn cho bé loại  bột có vị ngọt của sữa, bé sẽ dễ đón nhận các món mới khi có hương vị sữa quen thuộc.

Sau khi cho bé tập ăn dặm được khoảng 1-2 tuần, bạn có thể cho bé ăn bột pha từ nước hầm rau, củ, quả… Khi bé tập ăn dặm được khoảng 01 tháng, bạn có thể cho bé ăn thêm bột có vị mặn được chế biến từ thịt, cá, trứng, đậu hũ cùng các loại rau củ quả. Bạn có thể nấu tất cả các nguyên liệu được chuẩn bị từng bữa thành cháo, rồi xay nhuyễn cho bé ăn và chỉ nên cho bé ăn bột có vị mặn ngày 01 bữa, xen với các bữa bột có vị ngọt, sau khoảng 1-2 tuần.

Khi bé đã quen với khẩu vị mới, bạn hãy cho bé ăn hoàn toàn các bữa ăn bằng bột có vị mặn. Nhưng bạn nên chú ý, tuyệt đối không cho bé ăn quá mặn, vì điều này rất nguy hại cho sức khỏe của bé sau này.

Lưu ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn

Khi chuẩn bị thực đơn cho bé 6 tháng tuổi, các mẹ cần lưu ý rằng lúc bé mới tập ăn, khi bạn đút bột cho bé, bé thường ngoảnh mặt đi, rùng mình hay nôn ọe, cũng có bé sẽ ngậm miếng bột trong miệng rất lâu, không chịu nuốt… Bạn đừng quá lo lắng, đó là do khứu giác và vị giác của bé còn nhạy cảm và non nớt, bé chưa kịp tiếp nhận và thích nghi với mùi lạ, vị lạ nên không thể tránh được phản ứng sợ hãi và từ chối thức ăn.

Mẹ hãy bình tĩnh, giúp bé vượt qua cảm giác sợ hãi này bằng cách vừa cho bé ăn vừa tạo cảm giác vui vẻ cho bé, bạn có thể vừa đút cho bé ăn, vừa trò chuyện hoặc hát cho bé nghe. Như vậy sẽ giúp khứu giác và vị giác của bé bị chi phối, bé quên đi cảm giác lạ lẫm khi ăn những vị lạ. Từ từ rồi bé yêu của bạn sẽ quen với những bữa ăn mới, nên bạn đừng vội vã ép buộc bé ăn, hãy để bé có thời gian thích nghi.

Phụ huynh nên tạo cảm giác thoải mái khi cho bé 6 tháng ăn bột

Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi không chỉ là những bữa bột đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn là những bữa ăn tạo được tâm lý vui vẻ, thoải mái, như vậy mới kích thích cơ thể bé tiết ra các men tiêu hóa có lợi, giúp bé hào hứng với bữa ăn hơn. Tuyệt đối không nên tạo áp lực với bé khi cho bé ăn, dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Ngoài ra các bạn nên sáng tạo nhiều nguyên liệu, cách chế biến và gia vị khác nhau để tạo sự mới mẻ, kích thích bé ăn ngon miệng hơn. Ghi nhớ những lưu ý trên sẽ giúp bé yêu của bạn có những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển hàng ngày của bé.

Share.
Exit mobile version