Mang thai vừa là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo lắng của đa số các mẹ, nhất là những ai lần đầu làm mẹ. Vì thế, có nhiều mẹ thường xuyên đi siêu âm thai để được an tâm. Nhưng cũng có một số mẹ khác vì lo ảnh hưởng của siêu âm đối với thai nhi mà bỏ lỡ những giai đoạn thăm khám quan trọng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mẹ bầu chỉ cần siêu âm 5 lần ở những mốc quan trọng sau

1. Đi siêu âm thai từ tuần thứ 4 – 8

Lần siêu âm thai này giúp các mẹ xác định thai đã chui vào tử cung chưa, đã làm ổ chắc chắn hay không. Giai đoạn này, các bác sĩ cũng sẽ giúp mẹ xác định tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi thai để xem thai có phát triển theo đúng tuổi thai. Ngoài theo dõi thai, siêu âm giai đoạn này cũng giúp các mẹ biết tình trạng sức khỏe của mình về tử cung hay các bệnh lý khác nếu có (u xơ, u nang,…) để có hướng điều trị và giải quyết kịp thời.

2. Đi siêu âm thai từ tuần thứ 12 – 14

Đây là cột mốc quan trọng các mẹ không được bỏ qua vì đây là lúc các bác sĩ có thể xác định tuổi thai chính xác nhất. Mẹ cũng được các bác sĩ cho biết tình trạng bình thường của các nhiễm sắc thể để loại bỏ nguy cơ bị mắc bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành nhờ vào đo khoảng sáng sau gáy (đo độ mờ da gáy). Mẹ nên lựa chọn siêu âm 4 chiều (4D) trong giai đoạn này.

Tuần 12-14 của thai kỳ, mẹ nên khám thai để bác sĩ xác định có dị tật thai nhi hay không

3. Đi siêu âm thai từ tuần thứ 21 – 24

Cũng như cột mốc tuần 12-14,đây là lần siêu âm “bắt buộc” các mẹ phải nhớ. Tại thời điểm này, các cơ quan bên trong thai nhi phát triển đầy đủ và khá hoàn thiện, tim, hộp sọ, cột sống cũng có thể dễ dàng nhìn thấy được. Do đó, các bác sĩ có thể xem xét các cơ quan đó có phát triển bình thường hay không, và phát hiện những hình thái bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng các cơ quan nội tạng.
Nếu các mẹ muốn thực hiện các đình chỉ thai nghén thì đây là thời điểm không thể bỏ lỡ, vì sau tuần thứ 28 thì không thể thực hiện được nữa.

4. Đi siêu âm thai từ tuần thứ 30 – 32

Vào tuần thứ 32, bạn nên được siêu âm màu 4D để xem xét các dấu hiệu bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não; xác định lần cuối dị tật thai; theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung. Các bác sĩ cũng có thể cho mẹ biết chất lượng dây rốn còn đủ tốt để vận chuyển chất dinh dưỡng hay không, tình trạng nước ối (ít-nhiều, trong-đục) cũng như vị trí của nhau thai qua lần siêu âm này.

Lần cuối xác định dị tật thai là ở tuần 30 – 32 của thai kỳ

5. Đi siêu âm thai từ tuần thứ 35 – 36

Lúc này mẹ siêu âm để biết khá chính xác về trọng lượng thai và cân nặng của bé. Thông qua lần siêu âm cuối này các bác sĩ sẽ đánh giá lại lần nữa tình hình sức khỏe của cả thai nhi và mẹ để đưa ra những lời khuyên về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cho mẹ để chuẩn bị cho ngày đón bé chào đời.
Tùy theo thể trạng, sức khỏe khác nhau mà các mẹ sẽ được các bác sĩ chỉ định khám và siêu âm thai định kì, có mẹ sẽ được siêu âm 7 lần trong quá trình mang thai. Vì thế, các mẹ không nên chủ quan và tự ý siêu âm thai mà phải tham khảo, tư vấn thêm ý kiến bác sĩ để đảm bảo cho sức khỏe của hai mẹ con nhé.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version