Mang thai tháng thứ 6 là giai đoạn đánh dấu những thay đổi đáng kể xảy ra trên cơ thể mẹ, cùng với đó là sự chuyển mình không ngừng của bé.

Các bộ phận trên cơ thể thai nhi đã căn bản hoàn thành, sang đến tháng thứ 6 là giai đoạn bé cưng bắt đầu tập trung vào phát triển chiều dài, cân nặng và “gấp rút” hoàn thiện các chức năng để chuẩn bị cho cuộc sống “tự lập” bên ngoài trong vài tháng tới.

Thai nhi lớn nhanh đồng nghĩa với cơ thể mẹ đối mặt với nhiều thay đổi hơn, không chỉ bụng bầu to lên mà còn kéo theo các triệu chứng khác như đau lưng, chuột rút, những cơn co thắt, rạn da,… Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa.

Mang thai tháng thứ 6 – những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu

Vậy là mẹ sắp đi hết 2/3 chặng đường đầu tiên. Đến thời gian này, ngay cả những bà bầu ít “phát tướng” nhất cũng mang hình ảnh rõ nét của một bà bầu thực thụ với bụng bầu nhô to, dáng đi bắt đầu nặng nề hơn. So với tháng thứ 5, mẹ có thể thấy tháng này bụng bầu to nhanh đáng kể, các vết rạn lần lượt kéo đến và vô số triệu chứng khó chịu xảy ra, đó là:

Những cơn đau lưng nhức buốt

Trọng lượng cơ thể của mẹ và em bé tăng lên khiến cột sống và các vùng cơ liên quan phải “gồng mình” nâng đỡ nhiều hơn; do đó những cơn đau lưng sẽ ngày một trầm trọng. Một số bé bắt đầu quay đầu xuống dưới tạo áp lực lên dây thần kinh hông của mẹ bầu, gây ra những cơn đau thần kinh tọa và chuột rút không ngừng, nhất là vào ban đêm. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nhớ đi lại, đứng ngồi đúng tư thế, nên vận động cơ thể nhẹ nhàng, thường xuyên và có thể nhờ ông xã mát-xa chân, lưng để thấy dễ chịu hơn.

Khi mẹ mang thai tháng thứ 6, một số bé đã quay đầu xuống

 

Đó là những cơn đau giống như đau bụng kinh xảy ra trong vài phút mỗi lần, gọi là cơn co thắt giả hay Braxton Hicks, nó xảy ra với rất nhiều phụ nữ mang thai tháng thứ 6 và những tháng sau đó. Tuy nhiên, nếu những cơn co thắt mạnh, dọc từ bụng dưới và lan ra lưng, kèm các dấu hiệu như ra máu, ra nhiều dịch nhầy,… thì mẹ nên đến ngay bác sĩ để kiểm tra.

Mệt mỏi và mất/khó ngủ

Đã đến lúc mẹ cảm thấy khó khăn khi lựa chọn tư thế nằm sao cho thoải mái, vì bụng bầu không còn gọn gàng như những tháng trước nữa; không chỉ vậy, chứng chuột rút, đau lưng, mệt mỏi,… là những “kẻ phá đám” giấc ngủ của các bà bầu từ thời gian này trở đi. Và mẹ nên chuẩn bị tinh thần vì từ thời gian mang thai tháng thứ 6 trở đi, việc bị đánh thức giữa đêm do buồn tiểu, chuột rút, són tiểu, đau thắt và em bé đạp mạnh,… sẽ ghé thăm nhiều hơn đấy!

Mang thai tháng thứ 6 – sự phát triển của bé yêu

Vào tuần đầu tiên của tháng thứ 6, bé cưng chỉ mới nặng khoảng 450gr với làn da trong suốt nhưng đến tuần cuối của tháng, bé sẽ có thể nặng gần 1kg rồi đấy! Cơ thể con cũng dài ra nhanh chóng, lớp mỡ dưới da bắt đầu tích tụ và dày lên từng ngày khiến làn da nhăn nheo của con dần căng ra. Làn da của bé cũng đục dần, có màu hồng sáng do các mao mạch hình thành; một lớp lông tơ phủ kín cơ thể bé, tóc tai con cũng mọc nhiều hơn. Bé bắt đầu tập thở vào nước ối và hấp thu các kháng thể của mẹ để phát triển hệ miễn dịch.

Bé yêu mở mí mắt

Bước “đột phá” của bé trong tháng này là con đã có thể mở mí mắt sau một thời gian đóng để phát triển võng mạc. Từ lúc này, thị giác của bé phát triển tập trung và nhanh hơn, con rất nhạy cảm với ánh sáng và có thể phản ứng lại. Song song với đó, khả năng phản ứng với âm thanh của bé cũng nhạy hơn nhiều.

Tăng cân

Như đã nói ở trên, thời gian này cả bà bầu, cả thai nhi đều tăng cân nhanh hơn giai đoạn trước và nếu thấy hình ảnh siêu âm 3D, 4D của con, mẹ sẽ rất ngạc nhiên vì bé trông đã “ra dáng” một bé sơ sinh lắm rồi, với các đường nét rõ ràng hơn và cơ thể “mập mạp” dần lên.

Chuyển động không ngừng

Tuy những cử động của bé chưa nhiều, mạnh như giai đoạn kế tiếp, nhưng mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận rất rõ ràng thay vì chờ đợi mãi mới thấy con “máy” như thời gian trước. Tuy nhiên, một số mẹ vẫn chưa thể cảm nhận sự chuyển động rõ ràng và thường xuyên của thai nhi – điều này không có gì đáng lo đâu vì những tháng tới có thể mẹ sẽ phát cáu vì bé đạp mẹ đau quá đấy! Trong trường hợp bé hoàn toàn im ắng, bé có thể đến bác sĩ kiểm tra để biết chắc rằng con vẫn ổn và đỡ lo lắng hơn.

hinh thai may

Mang thai tháng thứ 6 – mẹ nên làm gì?

Mang thai tháng thứ 6, mẹ cần phải thận trọng hơn trong việc đi lại và các hoạt động hàng ngày, cả chuyện ăn uống, nghỉ ngơi,… nữa vì cơ thể lúc này không còn linh hoạt như lúc trước, bé cũng cần nhiều dưỡng chất để phát triển hơn. Mẹ cũng nhớ rằng không bao giờ được bỏ quên chuyện chăm sóc cơ thể, cũng không nên để những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và em bé, dù thời gian này có thể những cơn mệt mỏi sẽ khiến mẹ khó chịu nhiều.

Trầm cảm khi mang thai gây ảnh hưởng rất tệ hại đến sức khỏe của 2 mẹ con, do đó nếu cảm thấy có bất cứ ấm ức, căng thẳng, lo lắng,… nào cần phải giải tỏa, hãy giải tỏa nó với ông xã hoặc những người thân. Một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động nhẹ nhàng và tinh thần thoải mái sẽ là môi trường lý tưởng nhất để thai nhi lớn lên khỏe mạnh.

Mang thai tháng thứ 6 – mẹ nên hoạt động nhẹ nhàng để giúp tinh thần thoải mái

Ngoài ra, cũng đã đến thời điểm mẹ bắt đầu chuẩn bị đồ đạc cho bé cưng được rồi. Mọi sự chuẩn bị sớm đều được khuyến khích vì bé cưng sẽ có đầy đủ các đồ dùng cần thiết hơn, đây cũng là việc khá thú vị với bất cứ bà bầu nào. Hãy bắt đầu bằng việc lên danh sách những thứ cần mua, đừng quên tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước để có những gợi ý hữu ích.

Lưu ý khi mang thai tháng thứ 6

Trong vài tuần qua, phần chóp tử cung của bạn đã vượt cao hơn rốn và hiện có kích thước của một quả bóng đá. Hầu hết các thai phụ thực hiện xét nghiệm đường huyết GCT trong khoảng thời gian từ lúc này đến khi thai được 28 tuần. Xét nghiệm này nhằm kiểm tra “tiểu đường thai kỳ”,  tình trạng lượng đường trong máu cao khi mang thai.

Tiểu đường nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ khó sinh thường hoặc phải mổ lấy thai do bé sẽ phát triển quá lớn, nhất là ở phần trên cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ các biến chứng ở trẻ như hạ đường huyết ngay sau sinh. Kết quả xét nghiệm dương tính sẽ không có nghĩa là bạn bị tiểu đường thai kỳ, mà bạn sẽ cần làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose GTT sau đó để biết chắc chắn.

Kyna for Kids tổng hợp và biên tập

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version