Lồng ruột có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường gặp ở bé dưới 24 tháng đặc biệt là lứa tuổi từ 3 – 9 tháng. Khi bé đang chơi đùa bỗng nhiên khóc thét lên, 2 chân đạp lung tung, ưỡn người, nôn vọt ra sữa vừa bú hoặc thức ăn vừa ăn xong thì nên nghĩ tới hiện tượng lồng ruột.

Lồng ruột ở trẻ là một trạng thái bệnh lý trong đó một đoạn ruột trên chui vào lòng của đoạn ruột ngay dưới nó. Lồng ruột có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường gặp ở bé dưới 24 tháng đặc biệt là lứa tuổi từ 3 – 9 tháng (chiếm khoảng 75% các trường hợp). Hiếm gặp trường hợp lồng ruột ở trẻ sơ sinh.

Mẹ lưu ý những triệu chứng sau để không xảy ra những chuyện đáng tiếc trong quá trình nuôi dạy con nhé.Khi trẻ đang chơi đùa bỗng nhiên khóc thét lên, 2 chân đạp lung tung, ưỡn người, nôn vọt ra sữa vừa bú hoặc thức ăn vừa ăn xong thì nên nghĩ tới trẻ bị lồng ruột. Sự việc này xảy ra đột ngột, khác thường, vì vậy với các trường hợp bé bị lồng ruột mà tôi biết thì hầu như bà mẹ nào cũng nhớ rất rõ giờ bé bắt đầu đau bụng. Mỗi cơn đau cách nhau từ 5 đến 15 phút. Ngoài cơn đau, bé mệt lả người đi, không đùa nghịch và bỏ bú, một số ít trường hợp bé vẫn chơi như thường ngày.

Lồng ruột thường gặp ở bé dưới 24 tháng

Sau đó, bé có thể ngậm vú mẹ một tí, nhưng chưa kịp bú nhiều thì cơn đau lại đến, bé bỏ vú mẹ và lại ưỡn người, chân đạp lung tung, khóc thét và nôn ra hết. Ở giai đoạn sớm, bé chỉ nôn ra sữa hoặc nước mật vàng. Muộn hơn bé có thể nôn ra “nước phân”, tức là sữa chưa tiêu hóa, lợn cợn vàng, dạng như phân lỏng.

Các phụ huynh cũng nên lưu ý rằng, thường 6 giờ sau cơn đau đầu tiên bé có thể tiêu ra máu. Có thể là máu lẫn đàm lầy nhầy, nhưng cũng có thể là vài giọt máu tươi dính ra tã. Sau mỗi cơn đau, bé thường rặn và tiêu ra máu. Khi sờ bụng bé, ta có thể thấy một khối u dài chừng nửa trái chuối ở mạn sườn phải, hoặc trên rốn hoặc phần dưới rốn bên trái (hố chậu trái).

Trường hợp phát hiện muộn hoặc chữa trị không kịp thời bé có thể rơi vào tình trạng nặng như sốt khoảng 38 – 39 độ C, trằn trọc, vật vã, sau đó không khóc thét nữa, bỏ bú nằm lịm, lơ mơ, thở nhanh, vã mồ hôi, tay chân lạnh.

Nếu phát hiện lồng ruột sớm trong vòng 24 – 36 giờ, việc điều trị và chăm sóc trẻ khá đơn giản, các bác sĩ chỉ bơm hơi từ hậu môn vào ruột để tháo lồng cho bé. Tuy nhiên nếu để trễ hơn hoặc khi có biến chứng, như tắc ruột, bé cần phải được phẫu thuật để tháo lồng bằng tay hoặc đôi khi phải cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử do lồng ruột quá lâu.

Do đó, khi thấy con em mình ở các lứa tuổi trên có những triệu chứng như khóc thét từng cơn, đau bụng, nôn ói, đặc biệt là tiêu phân máu, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa bé đến các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán bệnh ở trẻ và điều trị kịp thời.

TS. Bùi Quốc Thắng, Đại học Y dược TP.HCM

Theo nuoiconkhoe.com

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version