Hầu như đứa trẻ nào cũng có những lúc bộc lộ rõ sự hung hăng của mình. Một vài sự điều chỉnh khéo léo trong cách nuôi dạy con sẽ giúp bạn dễ dàng dạy trẻ bớt hung hăng và xử lý vấn đề này trong hòa bình.

Trước hết, bạn nên biết tính hung hăng là một phần của sự phát triển bình thường của bé. Không có công thức chính xác 100% để “chữa trị” thói xấu này, nhưng bạn cần tìm hiểu để biết những loại hành vi tương ứng với các độ tuổi khác nhau, từ đó đưa ra cách dạy con phù hợp.

Dưới đây là 11 lưu ý bạn cần biết về việc làm gì khi trẻ hung hăng.

1. ĐẶT RA GIỚI HẠN

Giới hạn là điều cần thiết cho bất kỳ đứa trẻ nào. Bên cạnh việc đưa ra các giới hạn, bạn cần nhớ rằng trẻ cần cảm giác được yêu thương và quan tâm trìu mến để có cảm giác tin tưởng vào những lời khuyên của bố mẹ. Những em bé cảm thấy mình được yêu thương gần như lúc nào cũng muốn làm vui lòng cha mẹ và sẽ tán thành lời chỉ dẫn và cách dạy con mà phụ huynh đưa ra. Đặt ra những giới hạn hợp lý đối với hành vi của trẻ là một phần của tình thương, giống như cho con ăn, vỗ về, chơi đùa và đáp ứng mong muốn của con.

2. ĐIỀU GÌ ĐÃ GÂY RA TÍNH HUNG HĂNG CỦA TRẺ

Tự hỏi mình xem chuyện gì có thể khiến bé bị kích động – hành động của bạn hay người nào đó, hoặc chuyện gì khác trong tình huống ấy; có thể bé đang quá mệt hoặc thấy trong người không khỏe. Bị xô đẩy, bất ngờ bị chạm vào người, bị từ chối điều bé muốn, thậm chí không thể làm chuyện gì đó bé đang cố làm với một món đồ chơi hoặc hoạt động thể chất thường thường gây ra cảm giác thất vọng và giận dữ dẫn đến hung hăng trong hành vi.

3. TẬN DỤNG NHỮNG GÌ MẸ BIẾT

Áp dụng triệt để những điều mẹ biết về tính khí, nhịp điệu tâm lý, sở thích và cả sự nhạy cảm của con. Chẳng hạn, nếu mẹ hiểu rằng bé nhà mình dễ cáu hoặc buồn bực khi mới thức dậy hay rất dễ thấy khó chịu những lúc mệt mỏi hoặc đói bụng, bạn sẽ không chọn thời điểm ấy để “lên lớp” bé về cách kiểm soát hành vi. Việc hiểu con đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp bạn tìm ra cách dạy con thích hợp nhất.

4. TRAO ĐỔI RÕ RÀNG

Nói với con rằng bạn muốn bé làm hoặc không làm gì trong một tình huống cụ thể (nhưng cố gắng đừng nói dài dòng). Trẻ sẽ nhận biết mẹ không hài lòng từ giọng điệu của bạn cũng như những gì bạn nói. Điều quan trọng là mẹ cần nói rõ ràng về chuyện mình không tán thành con làm. Tuy nhiên, “bài giảng” dài dòng để dạy con ngoan cùng những lời báo trước gay gắt thường phản tác dụng.

Nói với một đứa trẻ 3 tuổi rằng bé không được xem tivi trong 2 tuần nếu đánh em trai có thể khiến bé khó chịu, mà lại khó giúp bé hiểu ra và phát triển khả năng tự kiểm soát. Một lý do hay hơn cho việc bạn không muốn bé đánh em là em sẽ bị đau. Mẹ không thích hành động đó chính là thông điệp hiệu quả nhất của bạn. Nó giúp bất kỳ đứa bé nhỏ tuổi nào đang làm mẹ không hài lòng cũng được nhắc nhở rằng bé vẫn được yêu thương ngay cả khi mẹ không thích hành động ấy.

5. QUAN SÁT

Khi con đang chơi với đứa trẻ khác, mẹ nhớ để mắt đến con nhưng cố đừng lảng vảng gần đó. Chuyện va chạm nhẹ vì nghịch ngợm, chạy và đuổi bắt hoặc chơi chung đồ chơi có thể mau chóng biến thành một cuộc chiến giữa hai bé, và các con sẽ cần đến một trọng tài. Tuy nhiên, có những lúc mẹ cần để các bé tự thu xếp chuyện của mình. Để con tự xoay sở những vấn đề của mình cũng là một cách dạy con thông minh mà bạn nên áp dụng khi cần thiết.

Hãy kiềm chế tính hung hăng của trẻ một cách khéo léo

6. RA TAY KỊP THỜI

Khi con đang hùng hổ theo cách tiêu cực, hãy ngưng hành vi đó và đưa ra chuyện gì khác cho bé làm. Hoặc mẹ có thể gợi ý và giúp khởi động một hoạt động mới hay dẫn dắt bé đến một nơi để trẻ giải tỏa cảm giác công kích mà không gây tổn hại cho bản thân, cho người khác, đồ chơi hoặc thú cưng.
Chẳng hạn, một góc phòng có vật nào đó để đấm, đập hay ném được. Mẹ có thể nói “Nếu con thấy muốn đánh, cứ đến đánh vào gối (hoặc túi tập đấm), nhưng không được đánh bạn”. Cơ hội đó không chỉ giúp trẻ giải tỏa cảm giác hung hăng mà còn hiểu rằng sẽ có thời điểm và nơi chốn áp dụng cho những hành động như thế.

7. TRỞ THÀNH ” HUẤN LUYỆN VIÊN”

Ở thời điểm thích hợp, mẹ hãy chứng tỏ làm cách nào để xử lý một tình huống phát sinh xung đột giữa hai đứa trẻ. Chẳng hạn, nếu con đã đủ lớn, mẹ có thể dạy bé vài từ dùng để tránh né hoặc dàn xếp mâu thuẫn. Bé 2 tuổi nên cầm lấy đồ chơi rồi nói “không” hoặc “của mình” thay vì luôn xô đẩy hoặc gào khóc khi một bé khác cố giật một món đồ. Trẻ con cần những gợi ý và sự chứng minh cụ thể từ người lớn để biết có những cách hiệu quả nhằm giải quyết bất đồng dễ được chấp nhận hơn việc tấn công và trả đũa bạo lực. Làm tấm gương tốt luôn là cách dạy trẻ bớt hung hăng hữu hiệu nhất!

8. SỬ DỤNG NGÔN NGỮ

Nếu con của bạn biết nói, hãy giúp bé giải thích chuyện gì đang khiến con giận dữ. Nếu bạn có thể đoán biết còn trẻ chưa nói được, nên làm điều ấy giùm con, chẳng hạn “Chắc là con đang giận vì không được đi chơi với cu Tin phải không nào. Mẹ biết là con buồn, nhưng bây giờ đã trễ quá rồi” (hoặc bất kỳ lý do nào khác).

Hãy thật khéo léo khi dạy trẻ

9. BÉ CÓ ĐANG HIỂU LẦM HAY KHÔNG?

Nếu bạn nói “Đừng đánh bạn/em” hoặc “Ngoan nào” trong khi bản thân lại không tinh ý mà tỏ vẻ thích thú với hành vi hung hăng của con trước người khác, bé sẽ bối rối, và những cơn bối rối như thế thường dễ làm cho việc phát triển khả năng tự kiềm chế khó khăn hơn.

10. TRÁNH ĐÒN ROI

Bạn hãy thận trọng khi áp dụng cách dạy con bằng đòn roi để kiềm chế tính hung hăng của trẻ. Hãy nghĩ đến những bất lợi thực sự của việc trừng phạt lên thân thể con. Trẻ nhỏ thường khuấy động cơn giận ở người lớn khi các bé kích động, đùa bỡn, cư xử ương ngạnh hoặc tấn công bé khác. Nếu cách dạy dỗ của bạn là đánh đập hoặc trừng phạt thể xác đối với con vì hành vi như thế, có thể hiệu quả sẽ đi ngược lại mong muốn của bạn.

11. KIÊN NHẪN

Việc học cách yêu quý và sống hòa hợp với người khác của trẻ là việc cần được rèn luyện qua nhiều năm. Là phụ huynh, bạn sẽ luôn trải qua những lúc thăng trầm, có những khi bạn thấy thất vọng khi cứ phải tìm cách dạy con cư xử đúng mực hoặc lo lắng con quá nhút nhát trong xã hội đầy yêu cầu khắc nghiệt. Trong khi phải chung sống từ ngày này sang ngày khác với những đợt hài lòng lẫn thất vọng ở vai trò làm cha/mẹ, điều quan trọng là giữ vững lập trường: luôn có một động lực tích cực để phát triển. Nhiều khi việc trẻ hung hăng cũng là do nổi loạn tuổi lên 2, lên 3. Một trong những cách để hạn chế nổi loạn này là hãy chú trọng dạy con từ nhỏ, phát triển tư duy cho bé, đừng để con lớn rồi mới dạy.

Theo Marrybaby.vn

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version