Khi đọc thông tin các bài báo về bổ sung muối cho thức ăn cho bé ăn dặm dưới 1 tuổi, các bạn nên lưu ý 3 điều sau để tự đánh giá thông tin chính xác. Chia sẻ của bác sĩ Anh Nguyễn về việc nêm muối và đường vào thức ăn cho bé

Giải thích về muối, natri và vị giác đầu lưỡi

Gần đây có nhiều bạn hỏi tôi liệu có nên nêm muối cho thức ăn dặm của bé không vì có 1 bài báo khuyên là “nên nêm thêm ít muối vào thức ăn cho bé, bé ăn quá nhạt gây nhiều tác hại đến bé”

Câu trả lời là không. Tôi đã có bài viết khẳng định về việc không thêm muối đường (kể cả nước mắm và bột nêm các loại trẻ em hay người lớn) vào thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi.

Đó là hướng dẫn chính thức của BTY Anh và cũng là hướng dẫn của nhiều tổ chức Y Tế khác trên thế giới. Đơn giản vì nhu cầu Natri và muối cho các bé dưới 1 tuổi là có thể lấy đủ từ sữa mẹ hoặc sữa công thức (khi bé dưới 6 tháng), và lấy từ thức ăn dặm (cho bé 6th – 1 tuổi). Việc bổ sung thêm 1 lượng muối từ bên ngoài vào sẽ gây dư thừa và gánh nặng cho thận của các bé.

Không thêm muối và đường vào thức ăn cho bé dưới 1 tuổi

Khi đọc thông tin các bài báo về bổ sung muối cho thức ăn dặm, các bạn nên lưu ý 3 điều sau để tự đánh giá thông tin chính xác.

Độ tuổi

Độ tuổi: bài báo có nêu rõ độ tuổi nào và lượng dùng bao nhiêu không. Hơn nữa, bài viết có đánh đồng trùng lấp khái niệm y khoa về bệnh lý thiếu Natri (hyponatremia) ở trẻ sinh non cân nặng dưới 1.5kg, điều này không nên đánh đồng triệu chứng của bệnh với các bé bình thường chỉ vì “ăn nhạt”, nó là không chính xác.

Có gây hiểu lầm về khái niệm muối và nhu cầu natri

Natri cần thiết cho cơ thể, Muối chứa phần lớn Natri (1g muối chứa khoảng 0.4g Natri) nhưng không phải chỉ có muối là chứa Natri, sữa mẹ có 15-17mg Natri /100ml sữa mẹ hoặc thức ăn cũng chứa trung bình 1 lượng natri nhất định (VD: 100g thịt bò chứa 72mg Natri, 100g cà rốt chứa 69mg Natri)

Hướng dẫn về muối và Natri theo độ tuổi ( theo BYT Anh )

5.5 tháng -12 tháng tuổi: ít hơn 1g muối/ngày (ít hơn 0.4g Natri/ngày) – không thêm muối vào thức ăn cho bé vì đã đủ từ thực phẩm và sữa

1 – 3 tuổi: thêm không quá 2g muối/ngày (0.8g natri)

4 – 6 tuổi: có thể thêm không quá 3g/ngày (1.2 natri)

7-10 tuổi: thêm không quá 5g muối/ngày (2g Natri)

Từ 11 tuổi trở lên: thêm không quá 6g muối/ngày (2.4g Natri)

Khái niệm về vị giác

Các lập luận đưa ra như “cha mẹ có thể nêm thấy vừa vừa ở đầu lưỡi là có thể cho bé ăn” là một khái niệm không chính xác. Cảm giác có vị mặn là liên quan đến kích thích chồi vị giác trên lưỡi. Số lượng chồi vị giác là khác nhau giữa trẻ em và người lớn. Ví dụ, các bé có khoảng 10000 chồi vị giác, nhưng người lớn thì chỉ có khoảng 5000 chồi vị giác.

Do đó, báo cáo năm 2005 của trung tâm Monell Chemical Senses, Mỹ đã cho thấy: vị giác về cảm giác mặn tàm tạm của người lớn, thì sẽ là cảm giác rất mặn cho các bé.

Do đó, việc dùng lưỡi của cha mẹ thử vị cho thức ăn của bé là không chính xác. Vị giác thích hợp nhất của bé dưới 1 tuổi là vị sữa mẹ hoặc vị tự nhiên từ thức ăn (chính vì vị tự nhiên này làm bé thích ứng và làm quen dần vị giác của mỗi loại thức ăn)

Nguồn: Facebook bác sĩ Anh Nguyễn

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version