Đối với những bà mẹ trẻ, sinh con lần đầu, không phải ai cũng biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong bài viết này, Kyna For Kids sẽ hướng dẫn mẹ bỉm cách bế, cho bú, ru ngủ, thay tã, tắm cho bé.

Hướng dẫn cách bế trẻ sơ sinh

Để chăm sóc trẻ sơ sinh, chắc chắn mỗi bà mẹ cần biết cách bế bé. Việc bế bé cần dùng cả hai tay. Tuỳ theo bế bé khi chơi, khi ngủ, khi cho bú… mà có tư thế bế khác nhau.

Khi cho bé bú, mẹ dùng một tay nâng đầu bé cao lên, đỡ lấy phần đầu và cổ, chỉnh nhẹ phần miệng áp vào vú mẹ; tay kia bệ đỡ phần mông và lưng bé. Tay và chân bé nên để càng thoải mái càng tốt. Tư thế này tương tự tư thế bế ru ngủ nhưng đầu bé giữ thẳng, ngửa sao cho xương sống ít vặn vẹo nhất. Còn khi bế trẻ chơi đùa, mẹ có nhiều tư thế thoải mái cho cho chân tay bé được tự do. Có thể ẵm ngửa bé, dựng đứng lưng tựa vào bụng mẹ hoặc nằm sấp trên bàn tay.

Cần đỡ đầu, cổ và xương sống của bé thẳng khi bế lâu

Hướng dẫn cách cho bé sơ sinh bú mẹ

Cho bú đúng cách cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Bé cần được bú mẹ ngay sau khi chào đời, càng sớm càng tốt và bú suốt 6 tháng đầu đời. Bởi vì sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng, kháng thể cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. So với việc bú sữa công thức, sữa mẹ giúp con yêu dễ tiêu hoá, ít mắc bệnh, hạn chế nguy cơ dị ứng và cao lớn hơn. Đây cũng là nguồn cung cấp nước cho bé.

Để trẻ phát triển tốt nhất, cách cho bú mẹ khi chăm sóc bé cần đảm bảo cả liều, lượng và thời gian cho bé. Khoảng 1 – 2 giờ cần cho trẻ bú mẹ một lần trong vài tuần đầu. Tuỳ theo nhu cầu và thể trạng của bé, mẹ có thể cho bé bú từ 15 – 30 phút/cữ. Bên cạnh việc cho bú theo cữ, khi thấy bé quấy khóc, ngọ quậy, chép miệng, mẹ nên cho bé bú thêm.

Cần cho trẻ bú mẹ khoảng 1 – 2 giờ/lần, mỗi lần từ 15 – 30 phút

Trường hợp đến cữ bú mà bé đang ngủ ngon, phụ huynh không nên đánh thức dậy cho bú. Vì giấc ngủ rất quan trọng với trẻ sơ sinh, bé cần ngủ 16 – 18 giờ/ngày và kéo dài ít nhất 1 giờ mỗi giấc. Nếu bé đã ngủ 4 giờ liên tục, mẹ mới đánh thức bé để cho bú.

Hướng dẫn cách ru ngủ trẻ sơ sinh

Điều quan trọng đầu tiên khi chăm sóc và cho trẻ sơ sinh ngủ là cách tạo không gian phòng ngủ. Nhiệt độ cần duy trì khoảng 28 độ C là lý tưởng nhất, có gió tự nhiên, thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh.

Các chuyên gia cho biết, trẻ sơ sinh ngủ ngon nhất khi đã được bú no. Do đó, mẹ bỉm cần cho bé bú đủ cữ, đủ lượng trước khi ngủ. Bên cạnh đó, mẹ cần học cách massage nhẹ nhàng khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Massage giúp bé dễ đi vào giấc ngủ và ngủ cũng ngon hơn, sâu giấc hơn.

Trẻ sơ sinh nên nằm nôi, đưa nhẹ và mở nhạc êm dịu hoặc hát ru khi cho bé ngủ. Khi nằm, phụ huynh nên để bé nằm ngửa là tốt nhất, có thể nằm nghiêng. Việc nằm sấp nên hạn chế tối đa vì gây hại cho bé. Vì vậy, khi thấy bé nằm sấp, phụ huynh nên nhẹ nhàng lật bé ngửa dậy. Đối với những bé thường xuyên nằm sấp, người nhà cần lót mặt nôi thật êm ái và canh chừng bé không bị ngạt thở.

Nên cho trẻ sơ sinh nằm nôi, nằm ngửa thẳng lưng trong phòng thoáng mát

Có một quan điểm sai lầm mà nhiều phụ huynh mắc phải là chèn rất nhiều thú bông, gối ôm vào trong nôi. Cha mẹ nghĩ làm như vậy, bé sẽ có cảm giác được ôm và an toàn hơn. Thực tế cho thầy, trẻ có nguy cơ bị ngạt thở khi bị gối ôm, thú bông chèn lên mũi, miệng.

Hướng dẫn cách thay tã cho bé sơ sinh

Tã lót cho trẻ sơ sinh có hai loại là tã giấy và tã vải. Hầu hết bà mẹ ngày nay đều dùng tã giấy cho con vì tính tiện lợi, vệ sinh và khả năng chống tràn, chống thấm ngược giúp bé hạn chế bị hăm, bí bách, khó chịu.

Ngay sau khi bé tè hay ị, phụ huynh phải thay tã ngay. Trong lúc đó, người nhà cần phải vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, hậu môn của bé bằng khăn giấy ướt hoặc khăn mềm + nước ấm. Lưu ý vệ sinh từ trước ra sau, từ bộ sinh dục sang hậu môn để tránh vi khuẩn từ phân nhiễm vào bộ phận sinh dục của trẻ nhỏ. Cách thay tã khi chăm sóc trẻ sơ sinh không chỉ mẹ mà tất cả thành viên trong gia đình đều cần thành thục để kịp thời vệ sinh cho bé.

Phụ huynh cần thay tã ngay sau khi bé tè, ị và vệ sinh trong mỗi lần thay

Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh

Khi tắm cho trẻ sơ sinh, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như nước ấm 36 – 38 độ C, khăn tắm lớn, khăn mặt, quần áo. Bên cạnh đó, những dụng cụ vệ sinh cuống rốn cũng cần chuẩn bị trước khi cho bé tắm như nước muối sinh lý, bông gòn, gạc, băng rốn, tăm bông.

Cách tắm và chăm sóc trẻ sơ sinh sau khi tắm các bà mẹ làm mẹ lần đầu cần quan sát và được nữ hộ sản hướng dẫn vài lần.

  • Đầu tiên, đặt bé nằm trên giường và dùng bông y tế thấm nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi cho bé; lấy khăn sữa nhúng nước ấm vắt ráo lau mặt. Sau khi pha nước ấm ra thau, mẹ nên kiểm tra độ nóng bằng cách cho tay mình vào.
  • Bạn bắt đầu làm ướt tóc rồi gội đầu cho bé bằng dầu gội chuyên dụng sau đó xả sạch và dùng khăn lau khô ngay.
  • Tiếp theo đến phần thân, bạn lấy khăn nhúng nước vắt hơi ráo lau người trước cho bé rồi mới từ từ nhúng bé xuống thau nước ấm. Lưu ý, nhúng chân xuống trước và cẩn thận cuống rốn.
  • Sau đó, cho một ít sữa tắm chuyên dụng vào nước tắm và làm sạch bé. Tiếp đến cho bé qua một thau nước ấm sạch khác để xả xà bông.
  • Sau khi tắm sạch, bạn đặt bé lên khăn tắm lớn đã trải sẵn trên giường rồi lau khô người trẻ. Lưu ý nên ủ ấm cho bé một lúc rồi mới mở khăn.
  • Tiếp theo là dùng bông gòn, tăm bông và nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi, ngoài tai.
  • Bước tiếp đến là vệ sinh rốn. Bạn lau khô vùng rốn rồi lấy tăm bông thấm nước muối sinh lý để vệ sinh lỹ lưỡng, lau khô rồi hong khô vài phút để khô hẳn rồi quấn băng gạc.
  • Cuối cùng là mặc tã, quần áo, bao tay, vớ, nón cho bé.
Trẻ sơ sinh cần tắm nước ấm 36 – 38 độ C

Như vậy, bài viết này đã cung cấp những kiến thức và hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản như thay tã, cho ngủ, cho bú, tắm và vệ sinh cuống rốn. Việc khâu vệ sinh cuống rốn, Kyna For Kids khuyên các bà mẹ nên nhờ nữ hộ sinh làm dịch vụ tại nhà để tránh thao tác sai làm nhiễm trùng bé. Một lưu ý khác, trong tất cả công đoạn chăm sóc bé, người lớn cần cắt móng tay gọn gàng và tránh đeo trang sức có cạnh nhọn.

Share.
Exit mobile version