Hôm qua bạn khen con bao nhiêu lần? Bạn la con đến mấy lần?

Ba mẹ ông bà khi rảnh rỗi, thử ngồi đếm lại và thử trả lời hai câu hỏi này nhé! Các chuyên gia tâm lý gợi ý rằng, đối với con trẻ, để được “cân bằng”. Trẻ nên được nhận lời khen, khuyến khích 6 lần, thì mới nên “nhận được” 1 lần la con, trách móc! Bạn nghĩ bạn đã đủ “cân bằng” chưa nhỉ?!

Tại sao lại có cái tỉ lệ “cân bằng” kì cục này thế nhỉ? Vì tâm hồn con trẻ, như một cái cây đang lớn vậy. Khen ngợi, khuyến khích, đúng lúc sẽ như những hạt phân bón tốt lành. Giúp cây lớn mạnh, tự tin, tự trọng, bước vào trường đời một cách tích cực và thẳng thắn. Những lời la con, chê bai, chỉ trích, so sánh hơn thua, không khác gì việc chúng ta ngồi đó, vặt lá mới nhú của cây. Làm cây run rẩy, lo lắng. Không biết có nên nhú thêm lá mới, mọc thêm ngọn cành, để lớn thẳng hơn không!

Hôm qua bạn la con mấy lần?

Phải la con mới phát triển được?

Nhiều ba mẹ ông bà quan niệm rằng, phải chê, la con mới phát triển được. Khen con nó, nó tự mãn, tự cao, trở nên cứng đầu và khó bảo! Quan niệm này thật sự rất sai lầm! Con trẻ chập chững bước từng bước vào thế giới con người, như một tờ giấy trắng phau phau. Trẻ cần khám phá thế giới. Và bất kì những hoạt động hàng ngày của bé đều mang ý nghĩa thực nghiệm đối với trẻ. Trẻ sẽ ghi nhận hệ quả, và hậu quả của những hoạt động này. Để từ đó, quyết định có nên tiếp tục hành vi này trong tương lai hay không!

Tuy nhiên, vì con trẻ khác với người lớn chúng ta rất nhiều. Nên việc quyết định tiếp tục lập lại hành vi hay không, cũng khác với chúng ta. Nếu người lớn chúng ta chỉ quyết định tiếp tục lập lại hành vi khi có lợi cho chúng ta. Hoặc khi chúng ta cảm thấy vui thích. Và sẽ nhớ mà tránh một hành vi gây bất lợi, khổ đau. Thì đối với con trẻ, đây lại là một quyết định hai chiều. Trẻ không cần biết đó là việc có ích cho trẻ hay không. Trẻ chỉ cần biết là điều này có “tạo được sự chú ý” cho ba mẹ ông bà hay không. Đối với một hành vi trẻ nhận được lời khen ngợi, khuyến khích, trẻ CÓ THỂ lặp lại hành vi này. Vì trẻ cảm thấy tích cực, vui vẻ và tự tin!

Đừng la con nhiều lần, hãy để con lớn lên tự nhiên

Đừng căng thẳng, chì chiết, đánh con

Đối với một hành vi mà trẻ thấy bạn điên tiết, tức giận, gào thét, la hò khản cổ, trẻ CHẮC CHẮN sẽ lặp lại hành vi này. Vì phản ứng của bạn, đối với trẻ là cực kì thú vị. Và trẻ cảm thấy được “quan tâm”, “để ý”, dù tiêu cực đến đâu! Và vì vậy, việc khen, khuyến khích một hành vi tốt của con trẻ, sẽ giúp cho trẻ tiếp tục thực hiện hành vi tốt đó.

Việc la con, chê một hành vi xấu của con trẻ, không giúp trẻ nhận lỗi và tránh hành vi này đi. Mà còn có tác dụng ngược lại. Làm cho trẻ có xu hướng lập lại những hành vi không mong muốn này nhiều hơn! Nếu bạn vì chuyện này mà căng thẳng, chì chiết, đánh con, bạn là người thua cuộc. Cũng như làm hỏng đi mối quan hệ lành mạnh giữa con và bạn! Đây là cách dạy con sai.

Hãy khen con

Khen, khuyến khích, và khen thưởng con. Không đơn thuần chỉ là việc vỗ vai con và nói “con làm tốt lắm”, “con khá lắm”. Hoặc cho quà vật chất quá thường xuyên! Có những thứ chúng ta nên để ý cho lứa tuổi này:

Khi khen, nên khen một cách “miêu tả, và chi tiết”

Để trẻ ghi nhận được bạn khen trẻ VỀ CÁI GÌ, và có động lực để lập lại lần sau, và lần sau nữa! Vì dụ như: “Con cho bạn Tí mượng đồ hàng để chơi chung, mẹ rất thích!”, hay “Bobo hôm nay giỏi quá, Bo tự dọn đồ chơi nè!”.

Bạn không cần đợi bé hoàn thành những công việc lớn mới khen. Hãy khen ở những điều nhỏ nhặt nhưng làm bạn hài lòng. Hoặc bạn muốn con tiếp tục làm, hoặc cải thiện thêm ở những lần sau! Ví dụ như: bé đang chơi công viên, bạn kêu bé về và bé nghe lời. Bé lần đầu tiên biết tự xịt sữa tắm. Bé thử tự mang dép, mang giày… cũng nên để lại tiếng khen. Và nhớ kèm theo lý do tại sao bạn khen nữa nhé!

Nên khen con đúng cách thay vì la con

Khuyến khích bé khi bé cố gắng làm một việc gì đó bạn muốn con làm

Dù có làm được hay không, cũng nên khuyến khích! Bạn có thể thoải mái khuyến khích trước khi bé làm. Để bé có động lực làm thêm. Ví dụ như, trước khi bé tự dọn đồ chơi sau khi chơi xong, bạn có thể nói “Mẹ biết con giỏi lắm nè, con cho mẹ thấy con dọn đồ chơi giỏi thế nào đi nha!”. Khi bé cố gắng và không đạt được kết quả như bé và bạn mong muốn. Cũng nên vỗ về khuyến khích, cho bé biết bé đã cố gắng nhiều rồi. Chuyện thắng thua không quan trọng. Quan trọng là việc bạn đừng vì vậy mà làm tổn thương tự tin của con mình.

Phần thưởng cho những hành vi tốt

Không đơn thuần là phần thưởng về vật chất. Phần thưởng tinh thần, như là cái ôm hun, đập tay hi-five. Hoặc cho bé một “ưu tiên” nào đó. Như cho bé tự quyết định món ăn bé thích trong bữa ăn. Điều này cực kì hữu hiệu đối với những trẻ chập chững đi.

Ban đầu, đối với những hành vi mong muốn, bạn cứ khen mỗi lần trẻ làm. Khi trẻ bắt đầu có thói quen làm những hành vi này, bạn có thể giảm sự khen, khuyến khích, phần thưởng lại. Và tập trung vào những hành vi mong muốn khác.

Những lời khen khuyến khích “mập mờ”, chung chung, hoặc đưa ra không đúng lúc, sẽ không hiệu quả. Vì bé chẳng biết bạn khen bé về chuyện gì. Và cũng không xem trọng lời khen nữa! Phần thưởng vật chất, nếu được ban phát quá thường xuyên, sẽ tạo ra một thói quen xấu cho con trẻ. Và có thể trở thành một “điều kiện trao đổi” về sau. Đây là lỗi khi dạy con.

Khen con sẽ tốt cho con hơn là la con

Đừng lúc nào cũng nhìn vào điểm yếu để la con

Chúng ta có thể thấy xu hướng bản thân dễ nhìn thấy những điểm xấu, không hài lòng của con để chỉ trích, la con. Vì những điểm này lúc nào củng “nổi bật” hơn cả. Vì vậy, nên cân bằng và cố gắng nhận ra những điểm tốt của con mình!

Đối với những người không quen khen ngợi, khuyến khích người khác, việc bắt đầu khen ngợi, khuyến khích trẻ có thể cảm thấy như một việc làm ngượng nghịu và có phần “gánh nặng”. Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng làm thường xuyên, chẳng bao lâu bạn sẽ thấy đây là một thói quen bình thường và tự nhiên. Khi bạn đưa ra lời khen dựa vào hành vi của con trẻ thay vì dựa vào cảm xúc bản thân. Bạn sẽ cũng thấy mình nhìn sự vật và cuộc sống một cách tích cực hơn. Và bạn cũng sẽ cảm thấy tích cực hơn! Lời khen không mất tiền mua, tốt cho con và tốt cho bạn. Vì vậy, nên tập khen nhiều hơn. Đừng la con nhiều, bạn nhé!

Vì vậy, hôm nay, hãy đặt ra cho mình hai câu hỏi:

  • “Hôm nay, mình đã khen, khuyến khích con mình được mấy lần?”
    “Hôm nay, mình đã chê, la con mình được mấy lần?”

Và ráng đạt đến tỉ lệ 6:1, hoặc nhiều hơn, càng tốt. Cho hôm nay, và cho mỗi ngày sau nữa, nhé!

Theo Bs. Huyên Thảo.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version