Bé không khóc nhưng vẫn có nước mắt chảy, đôi khi mắt có ghèn hay chất nhầy… là dấu hiệu của bệnh chảy nước mắt sống.

BS Võ Thị Chinh Nga, khoa Nhi, BV Mắt (TP.HCM) khuyến cáo: bé mắc bệnh chảy nước mắt sống nếu không được điều trị sớm sẽ rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ, có thể gây viêm túi lệ cấp, áp xe túi lệ, nặng hơn còn gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, tử vong.

Vì vậy, bé mới sinh ra mà mắt hay có ghèn, đỏ và đặc biệt là trẻ bị chảy nước mắt thì nên đưa bé đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị. Tuyệt đối không nên tự nhỏ thuốc vì có thể gây các biến chứng như cườm nước, viêm loét giác mạc… gây mù mắt. Nếu bé mắc bệnh này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì việc điều trị rất đơn giản.

Chảy nước mắt sống không được điều trị sớm sẽ nguy hiểm 

Nguyên nhân gây chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là do hệ thống lệ đạo bị tắc, không có điểm lệ, dính tắc đường lệ quản, viêm túi lệ do nhiễm trùng ối, chấn thương gây đứt lệ quản do bé chơi đùa bị té ngã hoặc bị mảnh kim loại văng vào kết mạc, giác mạc, có trường hợp bị chó mèo cào, cũng có trường hợp không rõ nguyên nhân. (BS Nguyễn Thị Thanh, khoa Mắt, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết)

Khi có tắc lệ đạo, nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài. Vì vậy, triệu chứng thường gặp đầu tiên và luôn luôn có là chảy nước mắt. Khi mắc bệnh, bé thường có hiện tượng chảy nước mắt sống ở một hoặc 2 mắt, có ghèn, chảy thường xuyên hoặc từng lúc. Mắt bé vẫn trắng, không đỏ. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng tại đường lệ. Hậu quả là làm cho túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, nhất là khi ấn vào vùng góc trong mắt.

Do đó, mẹ phải thật cẩn trọng khi nuôi con nhỏ. Khi phát hiện chảy nước mắt ở trẻ em, cần đưa bé đi khám để các bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glocom bẩm sinh, viêm trong mắt.

Nên đi khám sớm nếu bé chảy nước mắt sống

Tuy nhiên, đa sốbệnh ở trẻ liên quan đến chảy nước mắt sống sẽ tự khỏi do hiện tượng tắc nghẽn được giải tỏa một cách ngẫu nhiên. Để thúc đẩy quá trình này, cha mẹ nên mát-xa góc trong mí 2-3 lần/ngày, dùng ngón tay cái và trỏ day sống mũi (chỗ gần mắt) bé, giúp làm thông tuyến lệ. Đây là phương pháp đơn giản và khá hiệu quả.

Cũng lưu ý, khi day mắt cho bé, cha mẹ cần kiên nhẫn vì không phải bất cứ bé nào day khoé mắt trong vòng vài ngày, vài tuần cũng sẽ hết ngay. Day, mát-xa mắt là phương pháp trị liệu lâu dài, cần có thời gian lâu dài và tùy vào trường hợp nặng nhẹ của bé, có bé sẽ hết trong vòng 1, 2 tuần, có bé 5, 6 tháng. Nếu sau vài tuần vẫn không giảm triệu chứng hoặc bệnh nặng hơn thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám.

Đến khi bé được 2-3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì các bác sĩ có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông tốt xuống mũi. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi bé được 4 – 6 tháng tuổi. Khi bé lớn hơn, sau một tuổi thì kết quả điều trị tắc lệ đạo bằng thông sẽ rất thấp. Bệnh nhi thường phải chờ đợi để có thể làm phẫu thuật, tạo nên đường thông lệ đạo mới.

Phòng ngừa:

Đến nay không có biện pháp gì để phòng tắc lệ đạo bẩm sinh. Với các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải do chấn thương hoặc do phẫu thuật, biện pháp tốt nhất là tránh bị các tổn thương này. Điều trị sớm và triệt để những viêm nhiễm mãn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc cũng góp phần hạn chế tắc lệ đạo.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version