Trước khi đến Nhật Bản, bé Tiantian từng học một năm mầm non tại Bắc Kinh, vì thế, tôi không quá xa lạ với cấp học này. Tuy nhiên, ở Nhật Bản lại hoàn toàn khác.

1. Nhiều túi một cách kỳ lạ

Trong ngày đầu đến lớp, nhà trường giải thích cha mẹ cần chuẩn bị cho các con một số lượng túi nhất định với các kích cỡ khác nhau: một túi đựng sách vở, một túi đựng chăn, một túi đựng đồ ăn, một hộp đựng đồ ăn, một túi quần áo, một túi đựng quần áo để thay, một túi đựng các loại quần áo bẩn trẻ vừa thay ra, một túi đựng giày… Túi A dài thế này, túi B rộng thế kia, túi C có thể đựng trong túi D, túi E trong túi F. Tôi cứ tưởng mình nghe nhầm. Một vài trường mầm non thậm chí còn yêu cầu các bà mẹ tự làm những chiếc túi này.

Dạy trẻ mầm non kiểu Nhật

Sau 2 năm, tôi đã quen với việc đó, và bọn trẻ rất thành thạo trong việc đặt đồ vào đúng vị trí của nó. Tôi nghĩ rằng, lý do mà người dân Kyoto không cảm thấy phiền lòng khi phân loại rác thải có thể bởi vì họ đã được dạy những điều như thế này từ khi còn nhỏ.

2. Người lớn không mang túi hộ trẻ em

Một cảnh tượng khiến tôi rất sốc: Khi đưa bọn trẻ đến trường, những người lớn Nhật Bản, dù là mẹ, là bố hay ông bà đều đi tay không, trong khi lũ trẻ một mình xách những chiếc túi (ít nhất là 2 hoặc 3 cái) với nhiều kích thước khác nhau như tôi đã kể ở trên. Và đáng nói hơn, bọn trẻ đi lại rất nhanh nhẹn.

Còn chúng ta thì sao? Có lẽ một phần vì thói quen, một phần vì văn hóa, tôi xách tất cả các túi, còn Tiantian đi tay không. Một vài ngày sau, giáo viên của bé đã gặp riêng tôi: “Mẹ Tiantian, Tiantian tự mình làm mọi thứ ở trường…”. Người Nhật có thói quen chỉ nói vế đầu của câu, vế sau để bạn tự ngẫm nghĩ. Tôi lập tức nhận ra cô giáo muốn hỏi về tình hình của nhà Tiantian, và khi biết tôi vẫn còn đang suy nghĩ, cô giáo nói tiếp: “Ví dụ, tự mang túi xách của mình”. Sau sự nhắc nhở tế nhị này, tôi để Tiantian tự mang các túi của bé.

Trong cuộc họp phụ huynh, tôi nói rằng, ở Trung Quốc, cha mẹ vẫn thường cầm tất cả mọi đồ đạc cho con. Đến lượt những người mẹ Nhật Bản ngạc nhiên, một người đứng lên hỏi: Tại sao? Tại sao? Có phải vì cha mẹ Nhật ít yêu thương con cái hơn không?

3. Liên tục thay trang phục

Trường mầm non của Tiantian có đồng phục riêng. Tiantian mặc nó đến trường và thay quần áo chơi trong giờ ra chơi. Bé phải cởi giày và đi đôi giày bệt như giày múa ba lê màu trắng vào. Đến giờ tập thể dục, bé lại phải thay giày một lần nữa. Ngủ trưa dậy, bọn trẻ cũng thay quần áo. Thực sự rất phức tạp.

Khi còn học lớp hoa cúc, Tiantian thay quần áo rất chậm và tôi buộc phải giúp bé một tay. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng, tất cả bà mẹ Nhật chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả. Tôi dần dần hiểu ra rằng, việc thay quần áo cũng có thể giáo dục trẻ cách sống tự lập. Với những gì được trải qua ở trường, như thay quần áo, gắn sao hàng ngày, treo khăn tay lên dây, những đứa trẻ mới 2-3 tuổi đã bắt đầu học thói quen giữ gìn mọi thứ ngăn nắp.

4. Mặc quần soóc trong mùa đông

Dù trời lạnh thế nào thì học sinh ở các trường học Nhật mặc quần soóc trong mùa đông. Ông bà của Tiantian cảm thấy vô cùng lo lắng về việc này và bảo tôi phải nói với giáo viên của bé về điều đó, bởi vì trẻ em Trung Quốc không thể chịu nổi lạnh.

Ngày mới đi học, gần như ngày nào Tiantian cũng ốm. Nhưng khi tôi nói với những phụ huynh Nhật Bản về điều đó, câu trả lời của họ khiến tôi ngạc nhiên: “Đúng rồi, lý do chúng tôi đưa con đi học là để các bé biết thế nào là ốm”.

Nhìn thấy sức khỏe của Tiantian dần ổn định qua mỗi ngày, tôi nhận ra rằng, chúng ta không nên bao bọc con quá kỹ, kẻo sẽ làm hỏng con.

5.Trẻ em chưa đầy một tuổi đã tham gia thi đấu và biểu diễn

Những đứa trẻ chưa thôi nôi nhưng đã được đưa đến trường mầm non, thậm chí còn tham gia tất cả hoạt động chính của trường như thi đấu thể thao hay biểu diễn văn nghệ. Những em bé chưa đầy tuổi vẫn vừa khóc vừa bò về phía trước.

Kim Kim (Theo chinasmack.com)

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version