Trẻ em dưới 4 tuổi thường rất ham chơi và chưa có ý thức học tập nên cha mẹ cần cho bé vừa học vừa chơi. Việc dạy toán thông minh cho trẻ mầm non bằng đồ vật, đồ chơi trong nhà giúp bé hào hứng tham gia và tiếp thu rất nhanh.

Trẻ mầm non cần biết đọc số, nhận diện số đếm, hình khối, hiểu một số khái niệm đo lường cơ bản… để làm nền nảng học toán tư duy sau này.

Nhận biết hình, khối qua đồ dùng

Dạy toán thông minh cho trẻ mầm non nên bắt đầu bằng các hình khối vì chúng rất dễ phân biệt, nhận dạng. Để con yêu tập trung, thích thú học tập và dễ ghi nhớ, phụ huynh nên khéo léo lồng bài học vào các đồ dùng thân thuộc trong gia đình.

Ví dụ, khi dạy bé hình vuông, cha mẹ có thể chỉ vào viên gạch lát sàn, chiếc bánh quy hình vuông… rồi gợi ý trẻ nêu các đặc trưng của hình. Sau khi cho con yêu thoải mái quan sát và suy luận, cha mẹ mới khẳng định và lưu ý. Cách dạy này vừa khuyến khích trẻ tư duy vừa tăng sự tương tác, giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn.

Dạy trẻ hình tròn và hình chữ nhật từ những chiếc bánh quy quen thuộc

Tương tự, phụ huynh dạy bé hình chữ nhật bằng cái ti-vi, hình tròn qua cái dĩa, hình tam giác qua bản lề cửa sổ, hình khối chữ nhật giống như tủ lạnh, khối lập phương như cục rubik, khối tròn là trái bóng, khối chóp tam giác là chiếc nón lá… .

Học số bằng kẹo, bánh

Số đếm phức tạp hơn hình khối ở chỗ phải ghi nhớ chi tiết cách viết và phân biệt độ lớn của các số với nhau. Để bé nhớ cách viết số, cha mẹ nên mua kẹo, bánh có hình số để con yêu hứng thú ghi nhớ.

Sau khi nhớ được mặt số, phụ huynh cần giúp bé phân biệt độ lớn của các số bằng cách đếm số lượng kẹo, bánh mà trẻ yêu thích. Chẳng hạn như chia một nhóm gồm 3 viên kẹo và một nhóm 5 viên kẹo, rồi cho bé nhận biết nhóm nào nhiều kẹo hơn, từ đó suy ra 5 lớn hơn 3. Trong trò chơi dạy toán thông minh cho trẻ mầm non này, người lớn có thể dạy bé cộng trừ trong phạm vi 10 bằng cách hỏi: nhóm 3 viên kẹo cần thêm bao nhiêu viên nữa để bằng nhóm 5 viên.

Học đếm số bằng những viên kẹo đầy màu sắc tạo hứng thú hơn những chiếc que tính thông thường

Ngoài ra, để con yêu tập đếm số và tính nhẩm trong phạm vi 10, người lớn có thể áp dụng thêm phương pháp Fingermath – đếm số bằng ngón tay.

Phân biệt các kích thước với những chiếc khăn

Với những chiếc khăn trong nhà, cha mẹ có thể dạy trẻ phân biệt kích thước lớn – nhỏ trong việc dạy toán thông minh cho trẻ mầm non. Ví dụ, phụ huynh đưa ra khăn mặt và khăn choàng tắm rồi hỏi bé cái nào lớn hơn, cái nào nhỏ hơn.

Ban đầu, trẻ có thể trả lời đúng nhờ sự quan sát bằng mắt. Tuy nhiên, người lớn cần giúp con yêu khẳng định tính chính xác bằng cách đo kích thước hai khăn. Cho trẻ ướm gang tay lên khăn mặt chẳng hạn như chiều rộng 2 gang tay, chiều dài 2 gang tay; còn khăn choàng tắm có chiều rộng 3 gang tay, chiều dài 8 gang tay. Với bài học số đếm đã dạy, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra 3>2 và 8>2 để kết luận khăn choàng tắm lớn hơn khăn mặt.

Các bài học toán tư duy này nên được diễn ra thật thoải mái, sinh động kết hợp với những đồ dùng mà bé yêu thích để việc dạy toán thông minh cho trẻ mầm non được vui vẻ, thú vị hơn. Phụ huynh nên thay đổi “dụng cụ học tập” thường xuyên để con không bị nhàm chán và tham khảo thêm một số cách dạy toán tại nhà khác tại Kyna for kids.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version