Trong quá trình dạy con, chắc chắn bố mẹ không thể tránh khỏi những sai lầm. Nếu thấy con có những biểu hiện dưới đây, bố mẹ cần xem lại cách dạy con của mình bởi duy trì kiểu dạy sai lầm về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai, tích cách của đứa trẻ:
Rên rỉ, khóc lóc ngay từ lúc mở mắt ngủ dậy
Trẻ có thể lèo nhèo, rên rỉ khi bố mẹ đưa đi mua sắm quá lâu và không có gì tiêu khiển khiến trẻ buồn chán – đó là biểu hiện bình thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Thế nhưng, nếu trẻ thường xuyên “mè nheo”, khóc quấy, thậm chí ngay từ giây phút vừa mở mắt ngủ dậy thì đó là dấu hiệu cho thấy cách dạy của bố mẹ chưa cương quyết. Về lâu dài, trẻ sẽ hình thành thói quen đòi hỏi cho đến khi nào đạt được mục đích mới thôi.
Để xử lí tình trạng này, bố mẹ cần biết nói “Không” một cách rõ ràng, dứt khoát trong những tình huống thích hợp với trẻ. Chẳng hạn, khi đã đưa ra giới hạn chỉ cho phép trẻ dùng điện thoại trong 1 tiếng đồng hồ thì nhất định trẻ chỉ được sử dụng trong 1 tiếng đồng hồ, cho dù trẻ kì kèo xin thêm thời gian hay phụng phịu, giận dỗi thì bố mẹ cũng nhất quyết phải áp dụng đúng giới hạn đã đề ra.
Con cái chiếm hết toàn bộ thời gian và sức lực của bố mẹ
Học làm cha mẹ để mang đến cho con sự dạy dỗ và chăm sóc tốt nhất
Nuôi con là trách nhiệm vất vả mà tuyệt vời của bố mẹ nhưng sẽ không tốt chút nào nếu trong mọi trường hợp, bố mẹ luôn luôn đặt con lên trên tất cả mọi ưu tiên, trên cả cuộc hôn nhân của hai vợ chồng. Việc bố mẹ chăm chăm lo cho con, bao bọc con quá mức, việc gì cũng làm hộ con khiến trẻ thụ động, thiếu đi sự tự lập, mạnh mẽ cần thiết để bước vào đời. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng, bố mẹ nên có những buổi “trốn con” để hẹn hò, hâm nóng tình cảm và dành thời gian nuông chiều bản thân mình.
Trẻ liên tục kêu chán
Trẻ nhỏ luôn hiếu động nên có những lúc bố mẹ bắt trẻ phải ngồi yên một chỗ mà không có trò gì chơi thì việc trẻ cằn nhằn kêu chán là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, suốt ngày than phiền chán nản thì đây là dấu hiệu của một em bé hay đòi hỏi, không bao giờ thỏa mãn.
Hãy dạy trẻ phân biệt được sự khác nhau giữa những cái trẻ cần và những cái trẻ muốn. Ngoài ra, bố mẹ có thể đưa ra những sự lựa chọn (trong tầm kiểm soát của bố mẹ)cho trẻ tự quyết định. Trẻ sẽ có cảm giác tự hào, tự tin vì ý kiến của mình được tôn trọng.
Trẻ liên tục ăn vạ
Ăn vạ là biểu hiện thường thấy ở những em bé đang độ tuổi tiền mẫu giáo (trước khi đi học mẫu giáo) nhưng việc bé liên tục ăn vạ một cách vô cớ, thường xuyên, đó là biểu hiện của việc bố mẹ chưa thực sự nghiêm khắc trong cách dạy con.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết bố mẹ đừng vội vàng nổi nóng khi thấy trẻ ăn vạ. Hãy thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu với trẻ, để trẻ biết được rằng bố mẹ nhận ra trẻ đang khó chịu, bực tức nhưng hành động của trẻ như vậy là không chấp nhận được. Hãy giúp trẻ tìm ra được từ ngữ thích hợp để diễn tả cảm xúc của mình và đừng ngần ngại đưa ra những biện pháp răn đe, xử phạt thích hợp khi bố mẹ cảm thấy cần thiết phải dùng đến chúng.
Nói trống không, vô lễ với người lớn
Trẻ nhỏ có thể rụt rè, sợ hãi khi gặp người lớn, đặc biệt với người lạ nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ được phép nói trống không hay thiếu kính ngữ với người lớn. Tình trạng này của trẻ cần phải được chỉnh đốn ngay lập tức nếu bố mẹ không muốn con trở thành người thô lỗ, thiếu văn hóa sau này.
Bố mẹ hãy cho con biết rằng, khi con ăn nói thiếu lễ phép với người lớn, con đã làm họ, đặc biệt là những người thân của con bị tổn thương và buồn phiền. Lưu ý không bao giờ làm trẻ xấu hổ trước mặt mọi người bằng cách la lối, quát mắng khi trẻ vô lễ với người khác. Hãy nhẹ nhàng yêu cầu con chỉnh sửa lại lời nói và khích lệ, động viên nếu con làm tốt.
(ST)