Bé tự ngồi được là một giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển của bé từ lúc sinh ra đến lúc biết đi. Ngồi sẽ giúp bé có thể tiếp cận và học hỏi nhiều thứ quanh mình hơn.

Có thể ở một thời điểm nào đó, bạn tự hỏi tại sao bé của bạn chưa tự ngồi được và bạn nên làm gì? Câu trả lời là không làm gì cả vào lúc này. Còn hơi quá sớm để nói rằng con bạn có vấn đề về tố chất. Nhiều bé không thể tự ngồi cho đến ít nhất là 6 tháng tuổi, và một số còn trễ hơn, đặc biệt là những bé sinh thiếu tháng.

Bắt đầu từ tháng thứ 4, cơ cổ và cơ đầu của bé phát triển mạnh. Bé sẽ biết nâng và giữ đầu thẳng trong khi bé nằm sấp. Kế tiếp, bé sẽ biết cách tự rướn người trên 2 tay và nâng ngực khỏi mặt đất. Vào lúc 5 tháng tuổi, bé có thể ngồi 1 lúc mà không cần giúp đỡ, mặc dù bạn nên ở cạnh bé để hỗ trợ và đệm gối quanh bé để tránh bé bị ngã. Sau đó, bé sẽ biết cách duy trì thế cân bằng trong khi ngồi bằng cách tựa phía trước bằng 1 hoặc cả 2 tay.

Đến lúc 7 tháng tuổi, bé có thể tự ngồi mà không cần sự trợ giúp, điều này sẽ giải phóng đôi tay của bé để khám phá, và bé sẽ biết cách giữ tư thế để với lấy 1 vật bé thích trong khi ngồi. Vào lúc này, bé có thể tự ngồi dậy từ tư thế sấp bằng cách đẩy lên trên 2 tay. Đến 8 tháng tuổi, bé gần như ngồi vững mà không cần trợ giúp.

Vì thế, bạn chỉ nên bắt đầu cho bé ngồi khi bé có thể tự giữ đầu thẳng và vai trò của bạn lúc này là nâng đầu và ngực của bé để làm mạnh cơ cổ và phát triển khả năng tự giữ thẳng đầu. Nếu bé không thể tự giữ đầu thẳng vào thời điểm 6 tháng tuổi và chưa biết cách tự dựng người lên trên 2 tay, bạn nên đưa bé đến bác sĩ.

Các bé khác nhau phát triển các kỹ năng theo các mốc thời gian khác nhau, một số nhanh hơn một số khác, nhưng tự giữ thẳng được đầu là thiết yếu để bé có thể tự ngồi được.

BS Võ Quang Đình Nam
Chuyên khoa Chỉnh hình Nhi –BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

Share.
Exit mobile version