Sau sinh, dòng sữa mẹ là nhịp cầu tiếp nối nguồn sống thiêng liêng từ mẹ trong bào thai. “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Sữa mẹ mang lại lợi ích to lớn không những cho bé và mẹ, mà còn cho bố, cho gia đình và xã hội … Bài này không nói chi tiết về lợi ích của sữa mẹ, mà chỉ xin trình bày cách để có thể nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

Thực tế, tỉ lệ thất bại trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (không đủ sữa, phải cho bú thêm sữa bột, hay chỉ bú sữa bột, …) khá cao. Nuôi con bằng sữa mẹ không hoàn toàn là vấn đề bản năng, mà các bà mẹ cần được tư vấn cặn kẽ để có thể cho con bú mẹ thành công.

Có thể mô tả tóm tắt cơ chế tiết sữa mẹ một cách đơn giản như sau: khi bé nút vú mẹ, các thụ thể ở vú được kích thích sẽ làm:

  • Hạ đồi tiết PRH làm tuyết yên trước tiết Prolactin, kích thích tế bào tuyến vú tạo sữa
  • Tuyến yên sau tiết Oxytocin làm sữa đã được tạo ra chảy xuống đầu vú

Như vậy, bé nút vú nhiều chừng nào thì sữa được tạo ra và chảy xuống nhiều chừng ấy. Ngược lại, nếu bé không nút vú thì sữa sẽ không được tạo ra. Và bà mẹ cần cho bé nút vú dù không cảm thấy căng sữa, để kích thích tạo sữa và xuống sữa.

 

Từ cơ chế trên , muốn có được nguồn sữa mẹ đầy đủ từ khi bé chào đời, bạn cần chú ý thực hiện 6 nguyên tắc sau:

  1. Cho bé bú vú mẹ càng sớm càng tốt trong vòng 60 phút đầu tiên: Sữa non dù rất ít (chỉ # 15 ml trong 24 giờ đầu) nhưng có nhiều kháng thể và rất đậm đặc, cung cấp đủ năng lượng cho bé. Bên cạnh đó, việc cho bé bú vú sẽ làm tăng tiết Oxytocin, giúp bạn giảm đau, giảm mất máu và ngủ ngon hơn, mau lành vết thương hơn. Sau sinh, bạn chỉ việc nằm nghỉ ngơi, nhân viên y tế sẽ giúp bé ngậm vú mà bạn không cần phải ngồi bế bé. Hãy cho bé nút vú, mà không cần vắt ra xem vú có sữa không bạn nhé!
  2. Cho bé bú vú mẹ theo nhu cầu. Hãy cho bé nút vú mỗi khi bé đói mà không cần cảm thấy căng vú. Bạn cũng cần chú ý là không nên gọi bé dậy bú nếu bé chưa thật sự đói. Trẻ đủ tháng khỏe mạnh có thể ngủ giấc dài đến 4 giờ; sau 4 giờ mà bé không dậy mới nên đánh thức cho bú. Nếu bé đang bệnh hay non tháng, nhẹ cân, các bác sĩ sẽ cho bạn biết bao lâu thì nên gọi bé dậy bú…
  3. Cho bú cạn ít nhất 1 bên vú trong 1 cữ bú. Việc này giúp sữa lên tốt, tránh bị tắc sữa và cho phép bé tận dụng tất cả chất dinh dưỡng từ nguồn sữa của bạn. Điều chúng ta mong muốn nhất là sau vài ngày, bé bú cạn hết 1 vú thì vừa no. Nếu sau khi bú sạch 1 vú mà bé vẫn khóc, hãy cho bé bú vú bên kia bạn nhé.
  4. Cho bú đúng tư thế. Mẹ cần chú ý tìm chỗ tựa để có thể thư giãn, thả lỏng toàn thân khi cho bú nhằm giảm thiểu mệt mỏi, đau lưng, đau bụng. Dù bạn ở tư thế ngồi hay nằm, hãy xoay bé, áp sát bụng bé vào thân bạn để giúp bé ngậm bắt vú trực diện, dễ dàng mà không phải xoay đầu. Khi bạn áp sát bụng bé vào thân bạn, cằm bé sẽ chạm vú bạn và mũi bé sẽ không dụi vào vú gây ngạt thở đâu bạn nhé! Bé cần há miệng rộng để ngậm hết quầng vú của bạn thì nút mới hiệu quả.
  5. Không sử dụng núm vú giả. Có khác biệt lớn trong cách ngậm vú giả và vú mẹ. Khi bú núm vú giả, bé ngậm dễ dàng, không cần nút mà sữa vẫn chảy và bé no nhanh chóng. Khi bú mẹ, bé phải há miệng to ngậm hết quầng vú và phải nút vú thì sữa mới ra. Do đó, các bé đã từng bú núm vú giả hay chê vú mẹ. Đây là nguyên nhân thường gặp làm nuôi con bằng sữa mẹ thất bại, và nhiều bà mẹ phải vắt sữa ra bình cho con bú.
  6. Giữ tinh thần lạc quan và ăn uống đầy đủ. Stress làm giảm tiết sữa. Sau sinh, các bà mẹ thường có tâm trạng mệt mỏi, buồn phiền nên các ông bố và gia đình cần chia sẻ, nâng đỡ bà mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần. Kiêng khem làm bà mẹ thiếu dinh dưỡng, mệt mỏi và làm stress thêm.Hãy tự tin bạn nhé, tất cả các bà mẹ đều có thể có đủ sữa để nuôi 2 bé sinh đôi nếu biết cho bú mẹ đúng cách!

Theo bác sĩ Thùy Dương

Share.
Exit mobile version