Việc ăn uống khoa học, tuân thủ tháp dinh dưỡng là điều rất quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sự tăng trưởng của trẻ em. Kiến thức về tháp dinh dưỡng cho trẻ trong bài viết này đã được chuyên gia dinh dưỡng trẻ em tư vấn, Kyna For Kids xin chuyển tải đến các phụ huynh.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ – Nguồn: Bộ Y tế

Nhóm duy trì đều đặn

Cơ thể hơn 70% là nước, do đó nước có vai trò vô cùng quan trọng. Dù không phải là chất dinh dưỡng, nước vẫn chiếm vị trí số 1 trong tháp dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi. Đối với trẻ mầm non 2 – 5 tuổi, phụ huynh cần cho bé uống đủ 1 – 1,5 L nước/ngày. Những ngày nắng nóng, lượng mồ hôi nhiều hoặc khi bé chơi trò chơi vận động, phụ huynh nên cho trẻ uống bổ sung nước. Mỗi lần uống một cốc nước nhỏ chứ không nốc nhiều và nhanh.

Trẻ nhỏ từ 2 – 5 tuổi cần uống 1 – 1,5 lít nước/ngày

Người lớn cần theo dõi lượng nước trẻ uống mỗi ngày vì nếu thiếu nước, cơ thể sẽ mệt mỏi, không phát triển tốt. Trường hợp trẻ thấy khát nước, tức là đã thiếu nước trầm trọng đến mức tự cơ thể ra dấu hiệu. Để kiểm soát tốt nhất, người nhà nên chuẩn bị 3 chai nước, mỗi chai 500ml và nhắc bé phải uống hơn 2 chai trong số đó. Tốt nhất là nước đun sôi, để nguội hoặc các loại nước khoáng, đóng chai, sạch khuẩn để đảm bảo vệ sinh.

Nhóm thực phẩm ăn đủ

Trong nhóm thực phẩm ăn đủ của tháp dinh dưỡng cho trẻ, có 3 loại chính là lương thực, rau củ và trái cây. Lương thực có thể dùng cơm, bún, miến, bánh mì, khoai, bắp… ăn thay đổi. Đối với gạo, nên ăn từ 120 – 160g mỗi ngày; 1 chén cơm tương đương 55 – 60g gạo.

Rau củ và trái cây nên sử dụng đa dạng để bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và sức đề kháng. Rau củ và trái cây cũng là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Một ngày trẻ em 2 – 5 tuổi cần ăn từ 150 – 200g rau củ, trái cây.

Nên cho trẻ nhỏ ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây

Nhóm thực phẩm ăn vừa phải

Những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa mà phụ huynh thường ép trẻ ăn thật nhiều – chính là thực phẩm thuộc nhóm ăn vừa phải trong tháp dinh dưỡng cho trẻ. Lượng thịt hàng ngày cho bé dưới 5 tuổi chỉ cần 120 – 160g; từ 140 – 160g cá/tôm/cua và sữa cần uống ít nhất 500ml/ngày. Đối với trứng gà/vịt, bé chỉ nên ăn từ 2 -3 quả trứng/tuần. Mỗi quả trứng có hàm lượng chất dinh dưỡng tương đương 40g thịt/cá.

Nên cho trẻ nhỏ ăn vừa phải các loại thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa

Các loại thực phẩm này nên ăn thay đổi để cân bằng dưỡng chất trong cơ thể. Nhóm cá nên được ưu tiên, đặc biệt là cá hồi, cá chẽm, cá chép… rất tốt cho sự phát triển trí não của bé. Hàng tuần cũng nên cho trẻ ăn hải sản ít nhất một lần vì đây là nguồn khoáng chất như canxi, kẽm… cần thiết để có cơ thể khỏe mạnh.

Trong nhóm thực phẩm này còn có đậu (đỗ). Thực tế, 58g đậu phụ tương đương 31g thịt lợn. Điều này cho thấy đậu phụ giàu dinh dưỡng không thua kém các loại thịt. Hơn nữa, đậu phụ giúp bổ sung chất béo thực vật rất tốt cho cơ thể.

Nhóm thực phẩm ăn ít

Dầu và mỡ thuộc nhóm thực phẩm nên ăn ít trong tháp dinh dưỡng cho trẻ. Mỗi ngày, trẻ nhỏ chỉ nên ăn 30 – 40g dầu hoặc mỡ. Cứ 1 muỗng cà-phê tương đương 5g. Dù ăn ít nhưng dầu/mỡ vẫn là thực phẩm không thể bỏ qua. Vì 60% não bộ của con người được cấu thành từ chất béo. Chất béo giúp việc hấp thu vitamin A, D, E, K của trẻ tốt hơn.

Không nên cho trẻ nhỏ ăn quá 40g dầu/mỡ mỗi ngày

Để con phát triển tốt, phụ huynh nên cho bé ăn mỡ gan cá và mỡ động vật sống dưới biển. Đây là nguồn cung cấp vitamin A, D và axit arachidonic có ích cho bé. Bên cạnh đó, dầu thực vật cũng đem lại chất béo không no rất tốt cho trẻ em.

Với lượng dầu mỡ tối đa 40g/ngày cho bé dưới 5 tuổi, phụ huynh nên cho bé ăn 70% chất béo động vật và 30% chất béo thực vật. Bởi, chất béo động vật có chứa axit arachidonic rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Nhóm thực phẩm ăn rất ít

Muối chính là thực phẩm cần ăn ít nhất trong tháp dinh dưỡng cho trẻ. Mỗi ngày trẻ nhỏ 2 – 5 tuổi chỉ cần ăn 3g muối trong tất cả các bữa ăn (1 muỗng cà phê = 5g muối). Đối với trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần ăn 1g muối/ngày. Do đó, việc kiểm soát muối trong mỗi món ăn là vô cùng quan trọng. Việc ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tăng nguy cơ còi xương và hại thận của bé.

Không nên cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn nhiều hơn 3g muối/ngày

Trong các món ăn như bánh quy, snack, sữa, phô-mai… của bé đã có muối nên phụ huynh cần hạn chế việc nên muối vào món ăn chính. Không những thế, tránh cho bé ăn thức ăn nấu sẵn, đóng hộp, ăn ngoài vì những thực phẩm này thường nên nhiều muối để tăng khẩu vị và giúp lâu hỏng.

Tốt nhất nên sử dụng muối iod. Vì iod giúp duy trì năng lượng hoạt động, tốt cho hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, phòng ngừa khuyết tật trí tuệ và góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của trẻ nhỏ.

Trên đây là những thực phẩm cần dùng, tuân thủ chặt chẽ tháp dinh dưỡng cho trẻ. Phụ huynh nên lưu ý kỹ để lên thực đơn và nấu ăn hàng ngày cho bé. Việc ăn uống khoa học ngay từ bé giúp trẻ nhỏ có hệ miễn dịch tốt, phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí não.

Share.

Leave A Reply

Exit mobile version