Khi nào bé cần uống thêm nước?
Các mẹ nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nhất là những người lần đầu tiên làm mẹ, thường lúng túng không biết có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không? Có mẹ cho trẻ sơ sinh uống nước thoải mái, người lại cho là không nên vì lứa tuổi này không ăn thêm thức ăn nào khác ngoài sữa. Vậy ai đúng, ai sai và tại sao?
Các bé dưới 6 tháng tuổi chỉ nên được nuôi bằng sữa mẹ, không có thêm một thức ăn nào khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà có bé không được bú mẹ và phải bú sữa ngoài. Vậy khi nào cho trẻ uống nước thì cần thiết? Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Nếu bé bú mẹ thì không phải uống nước, còn bé bú bình thì phải cho trẻ uống nước thêm.
Vì sao lại có sự khác biệt trong việc chăm sóc trẻ bú mẹ và bú sữa ngoài như vậy?
Nguyên nhân?
– Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho bé, trong sữa mẹ có đủ tất cả chất dinh dưỡng và đủ cả nước.
– Ngoài ra, sữa mẹ “nhạt” (sữa mẹ ít muối khoáng, phù hợp với thận và gan còn non yếu của bé) nên bé bú mẹ không bị “khát”. Nếu cho rằng bé “khát”, nên cho bé bú mẹ là tốt nhất vì bé càng bú nhiều, sữa mẹ càng tiết ra nhiều hơn. Ngược lại, nếu cho trẻ uống nước, bé sẽ bú mẹ ít đi, mẹ sẽ dần dần tiết ít sữa.
– Sữa mẹ luôn là vô trùng, là thực phẩm tốt cho trẻ. Nếu cho bé uống nước, bé sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng từ nước và các vật dụng chứa nước nên dễ bị tiêu chảy.
– Sữa công thức thật ra là sữa bò được chế biến sao cho giống sữa mẹ nhất, tuy nhiên, loại sữa này vẫn không thể giống sữa mẹ hoàn toàn. Sữa công thức nhiều muối khoáng, nhiều đạm hơn nên “mặn” hơn, do vậy, bé bú bình cần phải uống thêm nước để thải bớt muối khoáng. Nếu bé bú bình phải được uống nước đến “đã khát” thì bé mới bú sữa nhiều, nếu không, bé sẽ bỏ bú.
BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa
Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Nguồn: nuoiconkhoe