Các thiên thần nhỏ của chúng ta rất đáng yêu và là niềm hạnh phúc cho cả gia đình. Tuy nhiên, những lúc bé không ngoan như ương bướng, ăn vạ, nói dối, hỗn hào, nói tục… luôn khiến cha mẹ rất buồn lòng. Vậy cần làm thế nào để phụ huynh học cách dạy con luôn ngoan ngoãn, lễ phép, nghe lời người lớn?
Dạy con không nói dối, dũng cảm nhận lỗi
Thật thà, trung thực có lẽ là đức tính nền tảng của đạo đức con người. Để xây dựng được đức tính tốt đẹp này, ngay từ nhỏ, các bé cần được dạy cách không nói dối người lớn, ngoan ngoãn.
Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, trẻ nhỏ nói dối thường bắt nguồn từ việc sợ hãi người lớn nên tìm cách nói dối để tránh né lời la mắng, trận đòn roi. Ví dụ như, trẻ đến lớp đánh nhau với bạn đến khi về nhà bị tra hỏi thì bảo rằng vô ý té ngã. Việc nói dối này nhằm mục đích tránh bị truy xét, gặng hỏi và đánh mắng. Tuy nhiên, bên cạnh những lời nói dối vì sợ bị đòn, sợ làm cha mẹ thất vọng sẽ là những lời nói dối nhằm gây chú ý cho bản thân hay bắt chước hành vi nói dối của người khác. Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nói dối lâu ngày sẽ tạo ra thói quen và đức tính.
Do đó, cha mẹ cần giữ thái độ tôn trọng, thoải mái, biết lắng nghe con như một người bạn cởi mở. Như thế, trẻ sẽ tự chia sẻ thật lòng mà không sợ bị đánh mắng. Khi trẻ làm gì sai, cha mẹ nên ôn tồn giảng giải, cho phép trẻ tự kiểm điểm bản thân để nhận lỗi và cho bé cơ hội sửa sai. Từ những hành động đó, cha mẹ sẽ giúp con dũng cảm nhận lỗi chứ không nói dối để che đậy. Cách xử sự này không những giúp con không nói dối mà còn biết dũng cảm nhận lỗi.
Tuy nhiên, thoải mái không la mắng khi con lỡ làm sai không có nghĩa cũng không dạy dỗ nghiêm khắc khi phát hiện con nói dối. Sự nghiêm khắc cần thể hiện bằng những lời nói dứt khoát, có những hình phạt phù hợp để bé nhận ra được nói dối là điều không nên làm.
Thêm một cách nữa để dạy con ngoan, không nói dối là đọc truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích có lồng ghép bài học về tính trung thực cho con nghe. Ví dụ như Ăn khế trả vàng, Ba lưỡi rìu…
Dạy con không ngang bướng, không ăn vạ
Trẻ nhỏ thường hay cứng đầu, ương ngạnh nên nhiều phụ huynh bó tay với cách dạy con ngoan ngoãn, biết nghe lời. Thông thường, trẻ ngang bướng là vì muốn làm theo ý riêng của mình, không thích làm theo hướng mà người lớn yêu cầu. Nguyên nhân cốt lõi là hai bên không thể dung hoà với nhau.
Vì thế, phụ huynh cần làm theo hai hướng. Một là, tôn trọng suy nghĩ, ý thích và hành động của con chứ không nên nhất nhất bắt trẻ nghe theo ý mình. Hai là, thử ngồi lại “đàm phán” với bé để tìm ra hướng đi ôn hoà nhất. Cụ thể, những việc nặng tính cá nhân về sở thích thì người lớn nên tôn trọng và lắng nghe bé. Sau khi lắng nghe, nếu vẫn thấy không hợp lý thì cùng nhau “thương lượng”.
Chẳng hạn như, khi bạn dẫn bé đi mua đồ, nếu bé thích áo đỏ còn bạn lại thấy áo xanh đẹp hơn thì nên tôn trọng quyết định của bé. Ngược lại, nếu bạn yêu cầu bé đến 5h chiều phải ngồi vô bàn ăn cơm cùng gia đình mà bé mãi chơi không chịu thì nên trò chuyện thẳng thắn. Phụ huynh có thể ra điều kiện, nếu bé không lại bàn ăn đúng giờ thì sẽ không ăn phần ngon (có thể phải nhịn đói vì hết đồ ăn) hoặc sẽ không phải là bé ngoan, không được dẫn đi chơi công viên. Việc phân tích điểm được/điểm mất của hành vi ham chơi ấy giúp bé có thêm cơ sở để đưa ra quyết định đúng đắn trong tâm thế tâm phục khẩu phục.
Cách dạy con ngoan, biết nghe lời trên cũng có thể áp dụng trong trường hợp bé ăn vạ bất chấp. Dù bé đang khóc vật vã hay la lối ầm ĩ thì bạn cũng cần bình tĩnh yêu cầu bé lắng nghe 5 phút. Trong 5 phút ấy, phụ huynh cũng phân tích việc bé ăn vạ sẽ không có ý nghĩa như thế nào và ngược lại còn gây tác hại ra sao. Mưa dầm thấm lâu, chắc chắn lời phân tích sẽ suy suyển được tình hình căng thẳng.
Dạy con không hỗn láo, nói tục
Một đứa trẻ dù ngoan đến đâu cũng khó tránh khỏi một lần lỡ lời hoặc cố tình nói hỗn, nói tục. Có thể bé không hề chủ đích nói ra những lời lẽ đó nhưng vì cảm xúc nhất thời quá tức giận hay bị “nhiễm” cái xấu từ môi trường bên ngoài. Những câu chuyện quen thuộc có thể là: bạn la mắng bé vì cứ mãi lười học, không chịu tập trung nên học hành yếu kém rồi bé bất chợt thét lên “con ghét mẹ”. Cũng có thể bé nghe hàng xóm nói tục nhưng không hề biết rồi vô tình nói lại với người lớn.
Tuy nhiên, dù là nguyên do gì thì việc nói hỗn, nói tục cũng đều không hay. Phụ huynh cần nghiêm khắc chỉnh đốn bé để tránh trở thành thói quen, câu cửa miệng, ảnh hưởng đến nhân cách của con sau này.
Điều quan trọng nhất trong trường hợp này là giữ thái độ dứt khoát, nghiêm khắc trong bất kỳ lúc nào thấy bé phát ngôn không hay. Bạn có thể nghiêm mặt lại, nói rõ với bé “con không nên nói bậy như thế” rồi phân tích, giảng giải cho bé hiểu. Tuỳ theo thái độ hợp tác, biết nhận lỗi và vâng lời của bé mà bạn có cách dạy con ngoan ngoãn, không nói bậy phù hợp. Nếu con hiểu chuyện thì bạn có thể dặn dò con không được tái phạm, kèm theo điều kiện nếu tái phạm sẽ có hình phạt cụ thể. Trường hợp con ương ngạnh thì phụ huynh cần phạt bé ngay bằng cách cho bé úp mặt vô tường, yên tĩnh ngồi tự ngẫm hoặc mách cô giáo để cô dạy dỗ song song. Việc cho cô giáo biết rất có lợi vì cô sẽ giúp bạn quan sát hành vi của bé khi ở trường và kịp thời báo với phụ huynh nếu phát hiện bé vẫn chứng nào tật ấy.
Trên đây là ba cách dạy con ngoan, biết vâng lời phụ huynh mà các bậc cha mẹ có thể thấy rất thực tế, gần gũi ngay tại gia đình mình. Kyna For Kids hi vọng những lời khuyên từ chuyên và chia sẻ từ phụ huynh có kinh nghiệm trên sẽ giúp ích cho các ông bố, bà mẹ trẻ.