Bậc làm cha mẹ nào cũng muốn con khỏe mạnh và thông minh. Tuy nhiên, chăm sóc con cái là quá trình dài đòi hỏi mẹ phải bổ sung nhiều kiến thức và không ngừng chú tâm. Có 3 điều quan trọng trong từng giai đoạn mẹ cần phải nhớ để giúp con luôn khỏe mạnh.

Giai đoạn thai kỳ – Cần quan tâm đặc biệt đến dinh dưỡng

Dinh dưỡng cho bé được cho là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe của mẹ trong giai đoạn mang thai và cả sự phát triển trí tuệ, thể chất sau này của trẻ. Vì vậy, ở giai đoạn thai kỳ, mẹ cần đặc biệt chú ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Mẹ bầu cần ăn uống thông minh thay vì ăn gấp đôi, bằng cách lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng với đầy đủ 4 nhóm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất vừa cho mẹ và cho con. Trong thực đơn hằng ngày nên luôn có tôm cua, cá, hay các loại thịt nạc của gia cầm, trứng… Cần uống thêm sữa để bổ sung các dưỡng chất cần thiết duy trì hoạt động cho cơ thể và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi; đồng thời thực đơn không thể thiếu trái cây và rau xanh để đủ vitamin, khoáng chất và hạn chế táo bón.

Con khỏe mạnh

Mẹ bầu cần ăn uống thông minh để mẹ con đều khỏe mạnh.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng quan trọng để hỗ trợ quá trình mang thai như viên sắt giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt của thai nhi, axit folic giúp bộ não trẻ được hoàn thiện, canxi giúp hình thành hệ xương của bé và làm giảm chứng đau lưng, đau khớp ở mẹ…

Giai đoạn mới sinh đến 6 tháng tuổi – Sữa mẹ luôn tốt cho bé

Báo cáo khoa học năm 2001 của WHO đã kết luận rằng việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Đứng đầu trong số các lợi ích này là các tác dụng tăng sức đề kháng, chống lại nhiễm trùng đường tiêu hóa cho trẻ sơ sinh, không chỉ ở những quốc gia đang phát triển và ngay cả ở những quốc gia công nghiệp hiện đại. Có một số bằng chứng khác cho thấy việc phát triển vận động cũng được tăng cường nhờ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Sữa mẹ luôn tốt cho bé

Ngay khi bé chào đời, trong vòng 1 tiếng đầu tiên mẹ nên cho trẻ bú ngay. Lượng sữa non lúc này không chỉ giúp bé khỏe mạnh mà còn có tác dụng làm cho sữa xuống nhanh hơn, sữa mẹ “về” nhiều hơn.

Giai đoạn từ 6 tháng tuổi – Đảm bảo nguồn dinh dưỡng khi ăn dặm

Theo Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly), sau 6 tháng tuổi, nguồn dự trữ của một số vi chất dinh dưỡng trong cơ thể bé đã cạn, nhu cầu của bé lại tăng, do đó, sữa mẹ đến giai đoạn này không đáp ứng nhu cầu của một số vi chất như vitamin A, riboflavin, vitamin B6, và vitamin B12… Lúc này, việc bé ăn dặm để tiếp nhận thêm dưỡng chất từ một số thực phẩm khác bên cạnh sữa mẹ là cần thiết.

Cho con ăn đúng cách để đảm bảo sự phát triển cho con.

Theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) có đến 50% trẻ em Việt Nam từ 0,5 – 12 tuổi không đủ vi chất dinh dưỡng để phát triển trí não và chiều cao. Vì thế, thực phẩm mẹ cho bé ăn vào giai đoạn chuyển giao này bắt buộc phải đảm bảo có ít nhất 5 trong 8 nhóm: lương thực; trứng các loại; sữa và chế phẩm từ sữa; thịt, cá và thủy sản; hạt thực vật giàu đạm; rau củ quả có màu sắc rực rỡ; các loại rau củ quả khác; dầu mỡ; trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc.

Giai đoạn này bé dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, vì vậy việc chăm sóc bé cũng cần chú ý nhiều hơn nhất là khi cho bé ăn. Với bất kỳ loại thức ăn nào cung cấp cho bé, mẹ cũng phải đảm bảo đó là nguồn thực phẩm chất lượng và được chế biến vệ sinh sạch sẽ.

(ST)

Share.
Exit mobile version