Trẻ phát ban siêu vi có nên kiêng kỵ gió, nước? Nên tiện hôm nay, trả lời tóm gọn cho phụ huynh và ông bà việc có nên kỵ gió, nước khi trẻ phát ban siêu vi?

Mấy hôm trước có một mẹ hớt hơ hớt hải, gọi điện nói, chị ơi, con em bị sốt phát ban, bác sĩ nói là nhiễm siêu vi, bây giờ con em bình thường hết, chỉ bị phát ban, mà người nhà đi ra mua thuốc gì đó, bắt cho bé uống để ban phát ra hết, em có nên cho con em uống không vậy chị?

Thật ra cái vụ ban phát ra ngoài, ban đi vô trong người, tránh mưa, tránh gió, tránh nước, cữ đồ ăn, cữ lạnh này kia, nghe không biết bao nhiêu lần rồi, nên tiện hôm nay, trả lời tóm gọn cho các phụ huynh và ông bà như thế này, nha:

Trẻ phát ban siêu vi

1. Nếu bé bị sốt, và sau đó xuất hiện ban đỏ, bạn nên cho bé đi khám lại để bác sĩ đánh giá xem có phải là ban đặc hiệu của virus hoặc vi trùng nguy hiểm nào không, có cần theo dõi thêm hay can thiệp gì thêm về bệnh gây ra ban đỏ hay không. Ví dụ như bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sởi, rubella, sốt xuất huyết, nhiễm trùng da……là những bệnh có thể gây những ban, sẩn da đặc hiệu, và những bệnh này có thể nguy hiểm, cần được theo dõi hoặc điều trị hợp lý.

Trẻ phát ban siêu vi có nên kiêng kỵ gió, nước?

2. Phát ban, không phải là bệnh, mà chỉ là triệu chứng của bệnh phát ban siêu vi, giống như mấy triệu chứng khác, như sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy….Vì vậy, việc phát ban hay không, phát ban nhiều hay ít, chỉ ở một vài chỗ hay toàn thân người, một ngày thì lặn hay một tuần mới hết hẳn, có ngứa hay không….là những chuyện bạn KHÔNG THỂ can thiệp vào để ngăn chặn hay phòng ngừa cái “ban đỏ” không được. Những đặc điểm kể trên của ban đỏ siêu vi, sẽ được quyết định bởi BỆNH NỀN, và phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh.
3. Việc cần phải xuất ban ra hết, bằng bất kì cách nào, kể cả uống thuốc gì gì đó, đều không cần thiết, và không hiệu quả. Bạn cũng nên biết mình cho con uống thuốc gì, để không gây hại thêm cho con mình, nhé! Việc tránh gió, tránh lạnh, cữ nước, cữ thức ăn, cũng không thể giúp giảm bớt hay làm nhiều hơn ban đỏ, nên bạn cũng không cần phải làm.
4. Nhiều người tin rằng ban phải xuất hết người thì mới hết bệnh, bị bệnh mà không ra ban hoặc chỉ ra chút chút thôi, thì có nghĩa là ban nó “lậm” vào trong người, gây bệnh thêm. Điều này không đúng. Vì như đã nói ở trên, đây chỉ là một triệu chứng của bệnh mà thôi. Giống như tại sao cùng một nhiễm siêu vi đường hô hấp mà có đứa sổ mũi ít, có đứa sổ mũi nhiều vậy đó. Chuyện này gặp rất nhiều khi làm tại khoa Sốt Xuất Huyết, người nhà con hết sốt, hết bệnh rồi, lại loay hoay với ban đỏ sau bệnh, lo lắng còn hơn lúc con bị bệnh thật, mà còn mong nó nổi tràn trề giống như đứa giường kế bên thì mới chịu không à!
5. Khi con bị bệnh và phát ban, bạn vẫn nên tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ cho con, giúp bé thoải mái hơn khi bị bệnh. Việc không tắm rửa có thể làm trẻ khó chịu hơn, cũng như có thể giảm vệ sinh tốt ở trẻ, và vì vậy, có thể gây thêm bệnh vì vi trùng cho trẻ.
6. Ban đỏ nhìn không đẹp mắt, và đúng là có nhiều ban nhìn thấy rất ghê. Nhưng nếu bác sĩ đã đánh giá loại trừ được bệnh nguy hiểm, bạn có thể an tâm để con ở nhà theo dõi. Đừng theo dõi ban nhiều hay ít, nên theo dõi các triệu chứng KHÁC của bệnh như: trẻ có sốt nhiều không, trẻ có lừ đừ, biếng ăn, ói nhiều, thở mệt, …..để có thể mang con đi khám lại kịp thời. Còn nếu trẻ xấu xí mà khỏe re, hết sốt, ăn được, chơi tốt, bạn cứ yên tâm theo dõi con tại nhà, và chờ một thời gian để ban tự hết.
7. Nếu ban đỏ gây ngứa, khó chịu cho trẻ, các bác sĩ sẽ có thể cho trẻ uống thuốc giảm ngứa tạm thời, để giúp trẻ đỡ khó chịu hơn.
Nguồn: FB Bs. Huyên Thảo
Share.
Exit mobile version