Để giúp bé tránh bị dị tật về cơ xương và thói quen cẩu thả khi viết chữ, phụ huynh cần rèn giũa bé sát sao những quy tắc trong lúc dạy trẻ viết chữ.
Giai đoạn học viết là giai đoạn quan trọng vì nó có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sau này của trẻ, những lỗi trong giai đoạn này mà không được sửa kịp thời sẽ rất khó sửa. Dưới đây là một số gợi ý cha mẹ cần biết khi dạy trẻ viết chữ.
5 nguyên tắc khi dạy trẻ viết chữ
1. Cầm bút đúng chuẩn từng ngón
Trước tiên, bạn cần để ý xem bé có cầm bút bằng 3 ngón là ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa. Sau đó, bạn hướng dẫn bé dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ thân bút đứng vững. Ngón giữa có nhiệm vụ đệm phần dưới bút để đỡ bút không bị lỏng lẻo. Hướng bút phải nghiêng về phía bên vai phải một góc khoảng 60 độ. Chú ý, tuyệt đối không cầm thân bút dựng đứng vuông góc so với mặt bàn. Chuẩn nhất là lòng bàn tay và cánh tay làm thành một đường thẳng. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các đầu ngón tay của bé và ngòi bút là 2,5cm.
Việc bé cầm bút không đúng là điều dễ hiểu, thậm chí không thể khắc phục lỗi sau vài lần nhắc nhở. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quát nạt, la mắng hay đánh đập mà phải kiên nhẫn thuyết phục bé khi dạy trẻ viết chữ. Điều quan trọng nhất là phân tích cho trẻ hiểu tác hại của việc cầm bút sai cách.

2. Dạy trẻ ngồi viết chữ đúng tư thế
Ý nghĩa của việc dạy trẻ viết chữ đúng tư thế là không chỉ giúp chữ đẹp mà còn có lợi cho sự phát triển tự nhiên của cột sống. Đặc biệt là giữ cho bé hạn chế nguy cơ mắc cận thị.
Do đó, bạn cần tập cho bé tư thế ngồi chuẩn:
- Đặt ngực gần bàn nhưng không chạm hẳn
- Hai chân đặt dạng rộng bằng vai
- Đặt sức nặng cơ thể lên hông và đùi
- Sải tay dang thoải mái
- Cánh tay và cổ tay đặt nhẹ lên mặt bàn
- Đồ vật trên bàn né chỗ đặt tay đủ rộng sao cho tay có thể di chuyển nhẹ khi viết
Đặt vở đúng vị trí: trẻ mới tập viết thường đặt vở thẳng với mép bàn. Khi viết thông thạo hơn, nên cho trẻ đặt vở nghiêng về phía tay viết. Trẻ viết tay phải, góc phải trên của vở là góc cao nhất, nghiêng về phía bên phải. Trẻ viết tay trái, góc trái trên của vở là góc cao nhất, nghiêng về phía tay trái. Đây là vị trí đặt vở tối ưu nhất, tạo thuận lợi cho tay viết…

3. Dạy trẻ viết chuẩn các nét cơ bản rồi mới viết thành chữ
Đầu tiên, phụ huynh cần dạy trẻ viết chữ từ các nét cơ bản. Cụ thể như nét thẳng (nét thẳng nhỏ và nét thẳng lớn) nét xiên (xiên trái va xiên phải), nét móc, nét cong (cong trái, cong phải, cong kín),…
Đến khi các bé nắm vững nền tảng, việc dạy trẻ viết vào chữ hoàn chỉnh sẽ dễ dàng hơn và nét chữ cũng ngay ngắn hơn.
4. Dạy trẻ viết chữ đều đặn hàng ngày
Khi việc viết chữ đúng chuẩn và đẹp chưa trở thành kĩ năng với bé thì rất cần phải luyện tập đều đặn. Nếu ngưng viết vài ngày, bé có thể quên mất những quy tắc cơ bản và phụ huynh phải dạy lại từ đầu.
Việc dạy trẻ viết chữ mỗi ngày không cần quá công phu. Chỉ cần dành khoảng 30 phút mỗi ngày để thực hành những gì bé đã học trên lớp là đủ.
5. Không gây áp lực tâm lí cho con khi dạy trẻ viết chữ
Đầu tiên, bạn không nên gây áp lực trong việc bắt trẻ tập trung trong thời gín dài. Vì não bộ của bé độ tuổi này chỉ có khả năng tập trung ngắn hạn. Sau khi bé làm tốt việc viết chữ trong khoảng 10 phút, phụ huynh có thể tăng dần thời gian lên 15 phút, 20 phút, 30 phút tùy theo sự tiến bộ của con.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế dạy trẻ viết chữ từ một mẹ bỉm sữa
Bạn có thể thử áp dụng một số cách dưới đây của chị Mai Hương (mẹ bỉm sữa có con 5 tuổi) để giúp bé học chữ tốt hơn:
“Khi dạy trẻ viết chữ tôi không nhất thiết phải cho bé viết theo thứ tự của bảng chữ cái mà hướng dẫn bé thực hành với những nét, chữ dễ trước. Nên bắt đầu cho bé viết các nét thẳng, nét ngang, dọc, xiên sau đó mới viết nét cong, tròn. Nên bắt đầu từ chữ in hoa trước sau đó mới tới chữ thường vì chữ in hoa lớn giúp bé dễ nhận biết hơn.
Sau đó, tôi vẽ những nét đơn giản và yêu cầu bé vẽ lại thật giống. Đây là cách vừa học, vừa chơi, nhằm tạo sự hứng thú ban đầu cho bé. Tôi còn khuyến khích bé viết lên bảng bằng phấn đủ màu sắc hay bút bảng trắng… vì dễ dàng tẩy xóa. Hãy cho bé thời gian để học và tiếp thu. Khi bé đã có nhiều hứng thú với việc học và sẵn sàng cầm viết, hãy khuyến khích tập vẽ nét trước khi cho bé tập viết chữ.
Khi dạy trẻ tập trung viết chữ trước tiên bạn hãy viết những chữ cái bằng những dấu chấm và cho bé đồ lại. Bên cạnh việc đồ chữ, bạn hãy dạy cho bé tên chữ cái, để bé ghi nhớ măt chữ. Khi bé đã thành thạo với việc đồ lại nét chữ, phụ huynh hãy cho bé tự tay viết để nét chữ cứng cáp hơn”.
Một lưu ý khi dạy trẻ viết chữ là mẹ phải thật kiên nhẫn, không cáu gắt với bé, không dạy bé một lúc quá nhiều chữ sẽ khiến bé rối và khó nhớ. Điều quan trọng là mẹ phải tạo hứng thú khi cho con học chữ, không ép con học khi con mệt mỏi, uể oải, nên dạy trẻ những lúc trẻ thoải mái nhất và mẹ đừng viên động viên, khen ngợi khi trẻ học tốt. Mẹ cũng có thể xen kẽ dạy bé bảng chữ cái, vừa là vui chơi, vừa giúp bé ghi nhớ mặt chữ. Mẹ hãy thưỡng xuyên kiểm tra bé, vì có nhiều bé khi chuyển sang viết chữ cái mới, sẽ quên cách viết và tên gọi của chữ cái trước đó đã học.